Thị trường

Tuyên Quang: Dùng cây thảo mộc nuôi lợn mở hướng làm giàu ở huyện vùng cao

Bí quyết cho lợn ăn lá cây là các loại thảo mộc của chị Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Phúc Lợi (thôn Nà Khà, xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) giúp đàn lợn đen lớn nhanh đã mở ra hướng làm giàu cho người chăn nuôi ở huyện vùng cao nghèo khó này.

Covid-19 khiến lợi nhuận ngành ngân hàng phân hóa mạnh trong quý I/2020 / Thanh Hóa: Cận cảnh mô hình nuôi đông trùng hạ thảo của chàng kỹ sư trẻ

Lâm Bình là huyện thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Xác định phát triển chăn nuôi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế, huyện Lâm Bình đã khuyến khích người dân, HTX phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, từng bước đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.

Từ quyết định táo bạo...

Nhận thấy địa phương có tiềm năng phát triển lợn đặc sản, chị Nguyễn Thị Liên, dân tộc Tày, ở thôn Nà Khà đang làm cán bộ nhà nước đã xin nghỉ việc để rẽ ngang sang chăn nuôi lợn đen. Trước đó, những gia đình sống ở vùng cao như gia đình chị Liên vốn vẫn thường nuôi sẵn một vài con lợn đen để ăn Tết hoặc phòng khi nhà có việc. Chị Liên lại được ưu ái cho cái duyên trong nghề này. Lứa lợn đen nào chị nuôi cũng sinh sôi, phát triển thành đàn, trở thành thế mạnh để làm giàu cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Liên sử dụng thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên để chăn nuôi lợn đen (Ảnh: Tư liệu)

Chị Nguyễn Thị Liên sử dụng thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên để chăn nuôi lợn đen (Ảnh: Tư liệu)

Chị Liên nói rằng, “bí quyết” nuôi lợn đen mà đến nay rất nhiều người nuôi đã áp dụng chính là dùng “cây tăng trọng” trong nuôi lợn. "Tăng trọng” ở đây không phải là cám mà là loại cây dạng thảo mộc, cao như cây chè cổ thụ, khi cho lợn ăn lá cây này sẽ phòng nhiều loại bệnh và kết hợp với những loại cám ngô, cám gạo, cây chuối… Vì vậy mà lợn đen lớn rất nhanh, chẳng mấy mà được xuất chuồng.

Khi mới nghỉ việc để quyết tâm nuôi lợn đen, nhiều người không ngớt lời chê bai chị không nhìn xa trông rộng, dám bỏ công việc ổn định bao người mơ ước để mạo hiểm với nghề chăn nuôi bấp bênh. Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn, chị đã chứng minh cho mọi người thấy quyết định táo bạo ấy là đúng đắn.

Mô hình chăn nuôi lợn đen bằng thảo mộc của gia đình chị đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập trung bình mỗi năm từ 120 - 150 triệu đồng. Gia đình chị duy trì thường xuyên từ 6 - 7 con lợn nái đen, 40 - 50 con lợn thịt, cao điểm có khi lên đến gần 20 con lợn nái để cung cấp lợn giống cho cả vùng. Lợn được chăn thả ở khu vực có chuồng trại và sân chơi, thức ăn hoàn toàn từ tự nhiên nên thịt lợn rất săn và ngọt.

Từ thành công của mình, chị Liên không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với những người nuôi lợn đen khác trên địa bàn. Năm 2016, chị đứng ra tập hợp những người cùng nghề thành lập HTX Nông lâm nghiệp Phúc Lợi với mục đích giúp đỡ nhau trong chăn nuôi, cung ứng lợn đen chất lượng ra thị trường và tiến tới xây dựng thương hiệu cho lợn đặc sản của huyện vùng cao.

 

Đến cơ hội thoát nghèo

Tham gia HTX, các thành viên nhận được sự giúp đỡ tích cực từ Giám đốc Nguyễn Thị Liên về phòng chống dịch bệnh và phương pháp chăn nuôi an toàn. Khi HTX nhận được sự hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước về vốn vay ưu đãi, máy băm cắt thức ăn hoặc lợn giống..., chị Liên đều phân bổ đều cho các thành viên để cùng đầu tư phát triển chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi lợn đen bằng thảo mộc cho thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng mỗi năm Ảnh: TL)

Mô hình chăn nuôi lợn đen bằng thảo mộc cho thu nhập trung bình trên 100 triệu đồng mỗi năm Ảnh: TL)

Trên thực tế, có những lúc cao điểm, tổng đàn lợn của HTX phát triển đến vài trăm con, tính trung bình mỗi hộ thành viên thu lãi trên 10 triệu đồng mỗi tháng. Điều đó không chỉ giúp nhiều hộ dân thoát nghèo mà còn tạo hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở huyện vùng cao Lâm Bình.

 

Anh Chẩu Văn Hiệp, một thành viên của HTX cho biết, lợn đen là lợn đặc sản được nhiều gia đình ở huyện Lâm Bình nuôi từ lâu nhưng mới chỉ manh mún chưa trở thành hàng hóa được. Việc tham gia HTX đã giúp anh bổ sung kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và có thêm nhiều đầu mối tiêu thụ thịt lợn ra thị trường với giá cả ổn định hơn.

Nhận thấy lợi ích của mô hình, nhiều hộ chăn nuôi lợn đen trên địa bàn đã đăng ký xin vào HTX. Từ việc phát triển chăn nuôi lợn đen, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã có công ăn việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu như gia đình anh Chẩu Văn Hiệp ở thôn Nặm Đíp, anh Poọng Văn Sơ ở thôn Bản Khiển, anh Nguyễn Văn San ở thôn Làng Chùa có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

"Nuôi lợn đen khi mất giá vẫn có lãi, chính vì thế không làm người nuôi mất vốn. Đây là sinh kế quan trọng giúp nhiều gia đình có cơ hội thoát nghèo bền vững cũng như phù hợp với xu hướng chăn nuôi theo hướng hàng hóa hiện nay", chị Liên nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm