Lợi thế để nông sản Việt Nam tiến sâu vào thị trường khó tính nhất thế giới
DNVN - Nông sản và thực phẩm Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận. Tuy nhiên, để tiến sâu và thành công tại thị trường vốn được coi là khó tính nhất thế giới này, ngoài chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến xu hướng tiêu dùng.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 30,7% trong 5 tháng đầu năm 2021 / Thanh khoản vượt 21.700 tỉ đồng, HOSE thông báo ngừng giao dịch ngày 1/6
Tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư
Tại Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam – Nhật Bản 2021 do Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) tổ chức chiều ngày 2/6/2021, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM cho biết, trong những năm qua, Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm nay, bất chấp dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Nhật Bản đạt 6,61 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 7,08 tỷ USD.
Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng các loại…. Trong khi đó, Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM phát biểu tại hội nghị.
Về hợp tác đầu tư, Nhật Bản đứng thứ 2 trong số 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư đăng ký trên 2,5 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay.
Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc hai nước cùng tham gia những hiệp định này tạo rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho mở rộng hợp tác thương mại song phương trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những triển vọng hợp tác cùng gia nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực và thế giới.
Đánh giá cao tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Masataka Fujita, Tổng thư ký AJC nhấn mạnh, hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận.
Ông Masataka Fujita cho biết, theo kế hoạch của Tập đoàn AEON, nhà phân phối lớn của Nhật Bản sẽ nâng giá trị xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật lên 1 tỷ USD (khoảng 110 tỷ yên) vào năm 2025, gấp khoảng 4 lần so với năm 2017.
Để hàng Việt tiến sâu vào thị trường Nhật Bản
Phân tích sâu hơn về nhu cầu của thị trường thực phẩm Nhật Bản, ông Makoto Nakamura, chuyên gia tư vấn thương mại quốc tế của Tổ chức XTTM Nhật Bản (JETRO) cho biết, bình quân cứ 2,17 người/1 hộ gia đình sẽ tiêu thụ sản phẩm đóng gói nhỏ hoặc khẩu phần thức ăn nhỏ. Những mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm mà Nhật Ban có nhu cầu nhập nhiều hiện nay là cá, sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả (xoài, thanh long, nho…).
Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh về những mặt hàng này và có khả năng cung ứng cho thị trường Nhật Bản.
Theo ông Makoto Nakamura cho rằng, để kinh doanh thành công tại thị trường Nhật Bản, khi xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Nhật, các doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của thị trường này. Sản phẩm phải phải phù hợp với luật vệ sinh môi trường của Nhật và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi được vào được thị trường khó tính này.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm. Theo kết quả khảo sát về xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản, để chọn mua một mặt hàng thực phẩm, người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm nhiều nhất tới yếu tố tác động đến sức khỏe, sau đó là giá thành và sự tiện lợi của sản phẩm…", ông Makoto Nakamura chia sẻ.
Khi mua hàng, người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm nhiều nhất tới yếu tố tác động đến sức khỏe.
Cụ thể, 24% người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm đến yếu tố đến sức khỏe, 19% quan tâm đến giá thành, 17% quan tâm đến sự tiện lợi, 12% quan tâm đến độ an toàn, 12% quan tâm đến các sản phẩm handmade... Theo ông Makoto Nakamura, xu hướng an toàn sẽ gia tăng trong tương lai tại Nhật Bản.
Chuyên gia Makoto Nakamura cũng lưu ý các doanh nghiệp cần ghi rõ trên bao bì của sản phẩm các thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, thành phần nào có thể gây dị dứng, hạn sử dụng...
Trên góc độ cơ quan quản lý, ông Vũ Bá Phú khẳng định, Cục XTTM luôn ủng hộ, nỗ lực làm tốt vai trò cơ quan xúc tiến, là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả. Đồng thời, ông bày tỏ mong muốn Trung tâm AJC, Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tiếp tục cộng tác, phối hợp chặt chẽ với Cục XTTM thực hiện đa dạng hoạt động kết nối giao thương, khuyến khích doanh nghiệp hai bên giao lưu, hợp tác thương mại và đầu tư sang nhau.
Tại Hội nghị, trên 40 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu tới gần 50 nhà nhập khẩu, phân phối của Nhật Bản nhiều mặt hàng nông sản (rau củ quả, các loại hạt...), thực phẩm khô (xoài, thanh long sấy...), thủy hải sản, đồ uống (cà phê, sữa...), gia vị, bánh kẹo, hàng tiêu dùng các loại khác... Đây là những sản phẩm có chất lượng tốt và phù hợp với nhu cầu tiêu thụ cao của các nhà máy sản xuất, người tiêu dùng phía Nhật Bản.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo