Thị trường

Ngành ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn của dân và DN, đẩy lùi tín dụng đen

DNVN - Tại "Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen" tổ chức sáng 8/3, tại Pleiku, lãnh đạo NHNN bày tỏ quyết tâm triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Giám đốc WB tại Việt Nam: Kinh tế số mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ / Triển vọng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang EU

Đánh giá về hình hình tín dụng đen trong thời gian qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trên cả nước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, do điều kiện cuộc sống và nhu cầu cấp bách, người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội.
NHNN đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn tín dụng đen.
NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn ngân hàng, đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, vay vốn thông qua các Tổ, nhóm của các tổ chức chính trị - xã hội, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay.

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TBNH)

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: TBNH)

Để thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, ngày 26/12/2018, NHNN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trên toàn quốc về Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và các TCTD…
Ngành ngân hàng cũng như các bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đã đề ra hệ thống các giải pháp đồng bộ và hiệu quả nhằm tăng khả năng cung ứng các sản phẩm tín dụng ngân hàng tới đại đa số người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng những nhu cầu vay vốn chính đáng phục vụ đời sống sinh hoạt, hạn chế tình trạng tiếp cận tín dụng đen.
NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 chỉ đạo các TCTD quyết liệt triển khai các nhiệm vụ hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có nhiều giải pháp để góp phần hạn chế tín dụng đen. Một số ngân hàng như Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày; NHCSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng đối với hộ nghèo.
NHNN cũng đã khảo sát tại 7 tỉnh, thành phố có nhu cầu vay tiêu dùng lớn, hoạt động “tín dụng đen” diễn biến phức tạp thời gian qua, để từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể đẩy mạnh tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng của người dân trên cả nước nói chung và tại Khu vực Tây Nguyên nói riêng, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các hoạt động cho vay nặng lãi.
Dư nợ tín dụng cho khu vực Tây Nguyên đến cuối tháng 2/2019 ước đạt 325.750 tỷ đồng, chiếm 4,52% dư nợ toàn quốc; trong đó dư nợ phục vụ các nhu cầu đời sống đạt 42.282 tỷ đồng, dư nợ nông nghiệp, nông thôn ước đạt 197.123 tỷ đồng. Riêng NHCSXH đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ tại khu vực Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng cho 525.000 hộ gia đình, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại NHCSXH.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế -NHNN cho biết, hoạt động tín dụng nói chung và cho vay tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn Tây Nguyên còn một số khó khăn do ở đây có tỉ lệ khá cao công nhân các khu công nghiệp, người lao động nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số cư trú không ổn định, thu nhập bấp bênh, không chứng minh được khả năng trả nợ nên khó khăn cho các TCTD khi thẩm định cho vay.
Phần lớn người dân (ở nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa) ngại tiếp xúc với ngân hàng và chưa quen sử dụng các sản phẩm cho vay linh hoạt theo hạn mức tín dụng, sản phẩm thấu chi tài khoản, thẻ tín dụng mà các NHTM đã đẩy mạnh triển khai thời gian qua.
Ở góc độ địa phương, ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phản ánh: Đắk Nông là tỉnh nghèo, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, đối tượng chính sách nhiều, nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội rất lớn. Qua đó, ông đề nghị NHNN Việt Nam chỉ đạo NHCSXH Việt Nam tăng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ hàng năm cho NHCSXH chi nhánh tỉnh lên khoảng 12-15%.
Ông cũng đề nghị nên ưu tiên cho các NHTM trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng trưởng tín dụng cao hơn nữa so với một số địa phương.
Trước thực tế và phản ánh của địa phương, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nêu rõ: Hội nghị thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của ngành Ngân hàng trong việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh, an toàn và hiệu quả, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đời sống chính đáng cho người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen trong thời gian tới.
Ngành Ngân hàng sẵn sàng, đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo chức năng và nhiệm vụ của NHNN.
Theo lãnh đạo NHNN, để đạt được kết quả cao nhất trong việc bài trừ nạn tín dụng đen, cần có sự tham gia vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm