Thị trường

Không phải cứ sản xuất nhiều thực phẩm là bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng

DNVN - Chia sẻ tại Tọa đàm “Hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững và chế độ ăn lành mạnh bền vững trong bối cảnh Việt Nam”, sáng 28/4, ông Đào Thế Anh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, không phải cứ sản xuất nhiều thực phẩm là bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng.

Chính phủ ban hành nghị quyết bảo đảm an ninh lương thực quốc gia / Chuyện lạ: Ăn ruồi để cứu thế giới sau đại dịch Covid-19, giải pháp tối ưu cho ngành nông nghiệp và an ninh lương thực

Các ý kiến tại buổi tọa đàm hướng tới việc định hướng, giáo dục thay đổi nhận thức cộng đồng về hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, chế độ ăn lành mạnh bền vững.

Đây cũng là hành động góp phần hỗ trợ thực hiện "Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030” và chào mừng thành công “Hội nghị toàn cầu lần thứ 4: Chương trình hệ thống lương thực thực phẩm bền vững Mạng lưới Một hành tinh” diễn ra tại Việt Nam từ ngày 24-27/4.

Phát biểu tại sự kiện, ông Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, vấn đề an ninh lương thực và dinh dưỡng đang “rất nóng”, nhất là sau đại dịch COVID-19 và trước tác động từ các cuộc chiến tranh xung đột.

Tọa đàm “Hệ thống LTTP bền vững và chế độ ăn lành mạnh bền vững trong bối cảnh Việt Nam”. Ảnh: Hoài Anh.

“Hiện nay, khái niệm mới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) về an ninh lương thực hiện nay là: An ninh lương thực không chỉ là đủ ăn, mà bao gồm cả ăn như thế nào để bảo đảm được an ninh dinh dưỡng.

Không phải cứ sản xuất nhiều thực phẩm là bảo đảm an ninh lương thực và dinh dưỡng. Vấn đề an toàn thực phẩm là thách thức của Việt Nam, cho dù chúng đã có nhiều chính sách liên quan và cũng đã đạt được nhiều tiến bộ”, ông Thế Anh nói.

Bà Nguyễn Thị Thủy - Giám đốc Hệ thống Nhà hàng Quả Trám, thành viên của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ, trước khi làm về nông nghiệp, bà đã có kinh nghiệm gần 20 năm phân phối sản phẩm cao cấp nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Qua quá trình làm việc, được gặp gỡ với các chuyên gia nông nghiệp Việt, bà Thủy nhận thấy Việt Nam có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản có tiếng trên thế giới nhưng người tiêu dùng Việt Nam ít biết tới hoặc chưa từng sử dụng.

Sản vật độc đáo chỉ dùng cục bộ tại địa phương, chưa được quảng bá và phát triển tới các đô thị. Tâm lý thích thực phẩm ngoại nhập, nhất là giới trẻ thích đồ ăn liền, ăn nhanh của nước ngoài cũng tạo khó khăn cho việc tiêu thụ đặc sản nông nghiệp trong nước.

“Muốn phát triển câu chuyện từ trang trại đến bàn ăn thì phải làm sao kết nối được sản phẩm ngon, bảo đảm tiêu chuẩn có nguồn gốc xuất xứ đến tay người tiêu dùng bởi “miếng ngon nhớ lâu”. Việc đầu tiên là cần có một địa điểm để trải nghiệm sản phẩm, quảng bá sản phẩm trước khi đưa vào hệ thống tiêu thụ. Hệ thống Nhà hàng Quả Trám được hình thành từ mong muốn này”, bà Thủy cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm