Nghệ An: Chỉ dẫn địa lý giúp HTX cạnh tranh
HTX ở Thái Nguyên góp phần xây dựng nông thôn mới / Hà Giang: Hoàn thiện sản xuất an toàn ở HTX Tuyên Gấm
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00077 cho sản phẩm gừng Kỳ Sơn. UBND huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) là tổ chức quản lý CDĐL này.
Đặc sảngừng Kỳ Sơn
Theo Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ), ở huyện Kỳ Sơn, người dân địa phương sản xuất hai loại gừng là gừng dé và gừng trâu. Gừng dé dùng để tiêu thụ nội địa là chủ yếu, còn gừng trâu hướng tới xuất khẩu. Sản phẩm gừng Kỳ Sơn chế biến ra tinh dầu, làm gia vị, hương liệu, dược liệu, thực phẩm…
Gừng Kỳ Sơn có những đặc điểm về hình thái và chất lượng đặc thù có thể dễ dàng phân biệt so với các loại củ gừng ở các vùng khác. Gừng dé “Kỳ Sơn” củ nhỏ, thân tròn, nhiều nhánh. Vỏ và ruột màu trắng ngà, lõi màu vàng nhạt, nhiều xơ. Mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng đậm.
Có thể thấy, việc gừng Kỳ Sơn được bảo hộ CDĐL là điều rất cần thiết trong lúc này đối với nông hộ và hoạt động của HTX trong địa bàn huyện. Nhất là khi trước đó, thương hiệu Gừng Kỳ Sơn vẫn chỉ được biết đến qua truyền miệng mà chưa được đăng ký nhãn hiệu khi xuất khẩu.
HTX Nông nghiệp Hương Sơn ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn được đánh giá là HTX có vai trò lớn trong việc đưa thương hiệu Gừng Kỳ Sơn đi xa, thông qua việc bao tiêu sản phẩm của các xã thuộc hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương.
Vài năm trước, có thời điểm HTX này đã nhận cung ứng đến 1.500 tấn gừng tươi cho một công ty lớn, bên cạnh một loạt công ty khác cũng muốn tìm nguồn cung gừng Kỳ Sơn từ HTX này.
Gừng Kỳ Sơn được đánh giá chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao, trồng ở vùng núi cao, có khí hậu lạnh, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cũng như các loại phân bón hóa học nên được bạn hàng các nước như Banglades, Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia khu vực Trung Á như Uzbekistan, T u r k m e n i s t a n , Kazakhstan rất ưa chuộng.
Nhìn từ câu chuyện gừng Kỳ Sơn được bảo hộ CDĐL, giới chuyên gia cho rằng việc tìm kiếm sự công nhận pháp lý đối với CDĐL dưới dạng sở hữu trí tuệ (SHTT), cả ở trong và ngoài nước, là một công cụ cần được các HTX nông nghiệp sử dụng rộng rãi để hạn chế một cách hợp pháp các nguồn cung cạnh tranh đối với một sản phẩm trên thị trường nội địa, lẫn xuất khẩu.
Giá trịthương hiệu vùng
Đây có thể là một giải pháp hiệu quả nhằm nâng sức cạnh tranh cho HTX về những sản phẩm có các đặc điểm đặc trưng (cảm quan) gắn với một vùng địa lý nhất định.
Tuy nhiên, việc bảo hộ CDĐL với sản phẩm địa phương đòi hỏi phải có sự quan tâm chính đáng của người sản xuất. Đặc biệt là vai trò lớn của HTX và cơ quan công quyền để có khả năng bảo vệ thích đáng những sản phẩm đặc trưng, nhất là biện pháp bảo hộ về mặt pháp lý cho những CDĐL có truyền thống lâu đời và danh tiếng.
Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay, được cho là sẽ khuyến khích các nhà sản xuất có CDĐL ở Việt Nam đăng ký để bảo hộ trực tiếp nhãn hiệu tập thể các sản phẩm truyền thống của mình tại những thị trường lớn trên thế giới, nhằm tạo thuận lợi cho việc quảng bá các sản phẩm đó tại thị trường quốc tế.
Theo đánh giá, Việt Nam có gần 1.000 loại nông sản đặc sản có thể phát triển thành các CDĐL như trường hợp của gừng Kỳ Sơn. Như chia sẻ của ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục SHTT, CDĐL đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu nông sản, thế nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác hết được những tiềm năng và lợi thế sẵn có của mình.
Ông Sơn đánh giá số lượng CDĐL của Việt Nam đã đăng ký ở trong nước còn ít và cũng chưa nhiều CDĐL của Việt Nam được đăng ký ra nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ gặp khó khăn hơn khi đưa ra thị trường, nhất là thị trường nước ngoài.
Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng chỉ rõ nguyên do là vì chưa có nhận thức đầy đủ về việc đăng ký bảo hộ CDĐL cả ở trong và ngoài nước, chưa quảng bá mạnh mẽ sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang CDĐL trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả.
Trên thực tế, việc xây dựng và quản lý CDĐL hiện nay còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng hồ sơ đăng ký CDĐL, hoạt động quản lý còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất, vai trò của Nhà nước chưa rõ ràng. Các giải pháp về quảng bá, giới thiệu sản phẩm CDĐL trên thị trường chưa mang lại hiệu quả… dẫn đến việc chưa phát huy được giá trị.
Thành công trên thị trường thế giới của một số sản phẩm nông sản có bảo hộ CDĐL cho thấy “giá trị của việc xây dựng thương hiệu vùng” cho sản phẩm, tức là sự kết hợp giữa các yếu tố tiếp thị, bảo hộ pháp lý, quản lý chất lượng, trong việc tạo chuyển biến trên cả thị trường trong và ngoài nước là cực kỳ quan trọng.
Để CDĐL phát huy được hiệu quả và nâng sức cạnh tranh cho các HTX nông nghiệp, các chuyên gia khuyến nghị cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý địa phương, HTX, doanh nghiệp, người dân trong khu vực địa lý, sự hiểu biết về CDĐL, các quy định trong quản lý và sử dụng CDĐL. Vấn đề là phải làm sao để nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia về sản phẩm có CDĐL.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Thêm chỉ dẫn địa lý, đặc sản của các HTX sẽ có thêm sức cạnh tranh