Thị trường

Người nuôi lợn ở Hưng Yên dè dặt tái đàn

Như con chim sợ cành cong, một năm sau “bão” dịch, nhiều người nuôi lợn ở Hưng Yên vẫn để trống chuồng trại hoặc chuyển sang chăn nuôi gà.

Lào Cai: Mô hình nuôi lợn an toàn, chủ trại thu hàng trăm triệu đồng mỗi ngày / Nuôi lợn rừng online ăn Tết: Đặt trước nửa năm, thăm nuôi từng giờ

Phần vì bà con chăn nuôi sợ dịch bùng phát trở lại, sẽ tiếp tục trắng tay. Bởi tới nay, nhiều hộ vẫn ôm những khoản nợ tiền tỷ, chưa biết khi nào hoàn trả.

Nhà to, nợ cũng to

Xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ - điểm khởi phát dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên của tỉnh Hưng Yên cũng như của cả nước. Một ngày giữa tháng 2/2020, trở lại đây sau tròn một năm “bão” dịch, khung cảnh chăn nuôi đìu hiu đến lạ thường. Các khu chăn nuôi trước đây eng éc tiếng lợn kêu, nay im lìm, nhà nào cũng cửa đóng then cài, vôi bột trắng xóa.

Chiều 19/2/2019, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) tổ chức họp công bố thông tin xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại Hưng Yên và Thái Bình. Nhưng từ đầu tháng 2, khi đàn lợn có biểu hiện dính dịch, người dân Yên Hòa đã mất ăn, mất ngủ và mất cả Tết.

Ngồi giữa căn nhà to nhất thôn Khóa Nhu 2, anh Trịnh Kế Trung thở dài, nhìn bên ngoài ai cũng thấy nhà to đẹp thật, nhưng ai biết bên trong rỗng tuếch, nợ chồng nợ.

Thời điểm phát hiện trên đàn lợn của gia đình có dấu hiệu nhiễm bệnh dịch tả lợp Châu Phi, anh Trung đang nuôi 39 con cả nái và thịt. Khi có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính, cả đàn lợn của anh được chích điện, đem đi tiêu hủy theo quy định. Tổng khối lượng tiêu hủy khoảng 6 tấn.

Với phương án hỗ trợ thời điểm đó, UBND xã kê cho gia đình anh Trung số tiền 240 triệu đồng. Tuy nhiên, tới nay, vì điều kiện ngân sách hạn hẹp, anh Trung mới nhận được 113 triệu đồng tiền hỗ trợ của tỉnh Hưng Yên. Anh thở dài, số tiền đó quá nhỏ so với những gì thiệt hại và các khoản nợ. Nhưng có còn hơn không, khi dịch bệnh xảy ra, không ai dám nói mạnh điều gì.

Tròn một năm sau “bão” dịch tả lợn Châu Phi càn quét, khu chuồng trại hằng trăm m2 của gia đình anh Trung vẫn trống trơn, khắp nơi một màu trắng xóa của vôi bột.

Tôi hỏi, dịch hết đã lâu, sao gia đình vẫn chưa tái đàn để khôi phục sản xuất. Ngẫm nghĩ một lúc, anh Trung bảo, phần vì sợ dịch bệnh bùng phát trở lại, nhưng cũng do đã cụt vốn chăn nuôi. Cho tới nay, hằng tháng, anh Trung vẫn phải xoay sở trả lãi cho số tiền vay nợ gần 1 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 400 – 5000 triệu nợ đại lý cám, 300 triệu vay lãi ngân hàng, số còn lại vay ngoài. Riêng việc xoay tiền trả lãi suất cũng khiến vợ chồng anh đau đầu.

Nhiều hộ dân vẫn bỏ trồng chuồng trại, chưa dám tái đàn. Ảnh: Kế Toại.

Nhiều hộ dân vẫn bỏ trồng chuồng trại, chưa dám tái đàn. Ảnh: Kế Toại.

Buổi chiều, hôm chúng tôi về, anh Trung đang gọi thợ đến tháo dỡ nốt hệ thống máng trong chuồng lợn. Sau đó tiến tới thiết kế lại chuồng trại để nuôi gà.

Từ dịp tháng 8 năm ngoái, anh Trung đã nhập hơn 1.000 gà giống Đông Tảo lai về nuôi thay lợn. Rất may, dịp giáp Tết âm lịch 2020, giá gà tăng cao, ổn định. Anh Trung xuất bán được hơn 3 tấn gà với giá trung bình 130 – 140 nghìn đồng/kg. Trừ mọi chi phí, gia đình thu về 50 – 70 triệu đồng.

“Thôi thì nhân lúc chưa nuôi lợn thì chăm bẵm đàn gà. Đợt rồi cũng lãi được chút ít, có cái mà trang trải nợ nần. Tới đây, tôi cho tháo dỡ nốt chuồng lợn cuối cùng để chuyển sang nuôi gà”, anh Trung chia sẻ. Nói về định hướng chăn nuôi năm nay, anh Trung bảo, chắc vẫn tính nuôi gà thôi, chưa nghĩ tới việc quay trở lại với đàn lợn.

Vừa nuôi vừa... run

Bà Hoàng Thị Ánh, thôn Yên Hòa kể, sau một năm dịch đi qua, nhưng cảm giác bàng hoàng vẫn hiện hữu như mới hôm qua. Cả đàn 20 nái và 50 lợn choai của gia đình bà buộc tiêu hủy hoàn toàn sau khi phát hiện một con trong đàn dương tính với virus. Số tiền gia đình được thống kê hỗ trợ là hơn 140 triệu đồng. Tới nay, bà đã nhận được 68 triệu đồng.

Những hộ đã tái đàn luôn cửa đóng, then cài, không cho người lạ vào trang trại. Ảnh: Kế Toại.

Những hộ đã tái đàn luôn cửa đóng, then cài, không cho người lạ vào trang trại. Ảnh: Kế Toại.

“Lúc tiêu hủy lợn xong, lúc đi vào trang trại, trước kia đầy lợn kêu eng éc, giờ không thấy gì, toàn vôi bột, cứ vào là khóc như mưa. Thương đàn lợn chết oan, chết uổng, nước mắt từ đâu chảy ra. Nói vui thì bảo bất hiếu, chứ đến bố mẹ chết khéo tôi cũng không khóc thảm thiết như thế”, bà Ánh tâm sự.

 

Sau hơn 4 tháng, gia đình bà Ánh liều tái đàn trở lại với 20 lợn thịt. Từ đó đến nay, bà Ánh cho biết, tình hình chăn nuôi tương đối ổn định, không còn phát sinh dịch bệnh. Cũng vì lo sợ dịch bệnh, bà nhất quyết không cho chúng tôi lại gần chuồng trại, thậm chí cả việc chụp ảnh.

“Đang chăn nuôi quen, nghe tiếng lợn vui nhà, vui cửa. Chắc sau 4 tháng mà tôi không vào lứa lợn khác, khéo bị bệnh mà nhập viện mất thôi. Cả đời tôi gắn bó với nghề nuôi lợn, không nuôi lợn thì biết làm gì bây giờ. Quá tuổi, có xin đi làm công nhân họ cũng đuổi về”, bà Ánh nói.

Giáp Tết nguyên đán 2020, bà Ánh xuất bán hơn chục con lợn thịt với giá 94 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, số tiền lãi còn khoảng hơn 100 triệu đồng.

Hỏi về định hướng tới đây, bà Ánh chậm rãi bảo, cũng còn rụt rè lắm, chưa dám mở rộng chăn nuôi trở lại. Với quy mô chuồng trại thực tế, có thể nuôi 200 lợn thịt, 60 nái, nhưng hiện tại, bà Ánh mới chỉ dám thả 13 con lợn thịt. Dù đã xuất bán được một lứa thành công, nhưng mọi thứ vẫn được coi như thử nghiệm.

Một năm kiệt quệ

Ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, 2019 là một năm kiệt quệ của những người chăn nuôi ở địa phương. Đồng thời cũng là một năm kiệt sức của toàn thể cán bộ từ xã tới thôn.

 

Đặc thù là địa bàn nằm bám theo mặt tỉnh lộ, kết nối giao thương giữa thành phố Hưng Yên và Hà Nội, nên khi dịch bệnh xảy ra, mọi thứ gần như quá sức.

Dịch tả đã khiến 320 tấn lợn của người dân Yên Hòa bị tiêu hủy. Tổng số tiền hỗ trợ thống kế toàn xã là trên 12 tỷ đồng. Nhưng theo ông Duyệt, cấp trên mới thẩm định và cấp cho người dân 47% (hơn 5 tỷ đồng).

Không ít hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ tại Yên Hòa đã chuyển sang nuôi gà Đông Tảo lai. Ảnh: Kế Toại.

Không ít hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ tại Yên Hòa đã chuyển sang nuôi gà Đông Tảo lai. Ảnh: Kế Toại.

Ông Duyệt cho biết, sau khi công bố hết dịch, Hưng Yên khuyến khích người dân tái đàn, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, khuyến khích nhiều hơn các trang trại lớn, gia trại đủ điều kiện chăn nuôi.

Theo thống kê, thời điểm hiện tại, toàn xã Yên Hòa chỉ có 3 – 4 trang trại lớn tái đàn trở lại. Số gia trại quy mô 30 – 40 con cũng không nhiều. Đặc biệt, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ 5 – 7 con gần như bỏ trống chuồng trại hoặc chuyển sang nuôi gà.

Theo ông Duyệt, nguyên nhân chính là người dân sợ tái dịch. Nên việc nuôi nhỏ lẻ vừa có nguy cơ, trong khi hiệu quả kinh tế không cao. Chính vì vậy, tổng đàn gà của Yên Hòa tăng vọt, đạt gần 100 nghìn con. Thống kê, trong tổng số các hộ nuôi gà ở Yên Hòa, có tới 50% trước đây chuyển từ nuôi lợn.

 

Ông Duyệt chia sẻ, có lẽ đây cũng là dịp để người dân tự tái cơ cấu lại phương thức chăn nuôi nông hộ. Từ khi chuyển sang nuôi gà, môi trường tại đây đã bớt ô nhiễm rất nhiều. Rất may, dịp cận Tết vừa qua giá gà tăng cao, người dân cũng gỡ gạc phần nào để trả nợ.

“Nghe đài báo thông tin, chúng tôi luôn theo dõi sát sao tình hình dịch tả Châu Phi cũng như cúm gia cầm. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, nhưng chỉ với những trang trại, gia trại đủ điều kiện sản xuất, an toàn sinh học”, ông Lê Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm