Thị trường

Người tiêu dùng ngày càng chuộng mua sắm trực tuyến

DNVN - Người tiêu dùng ngày càng phát triển thói quen mua sắm đa kênh linh hoạt, mong đợi sự nhất quán và liền mạch giữa trải nghiệm trực tuyến cũng như tại cửa hàng.

Doanh nghiệp bán lẻ "đau đầu" tìm giải pháp thu hút khách hàng / Phát triển hệ thống bán lẻ nội địa

Đánh giá về hoạt động mua sắm đa kênh và cuộc cách mạng thương mại xã hội, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho rằng, một điểm đáng chú ý là người tiêu dùng ngày càng phát triển thói quen mua sắm đa kênh linh hoạt, mong đợi sự nhất quán và liền mạch giữa trải nghiệm trực tuyến, tại cửa hàng.

Trong khi khách hàng có nhu cầu cảm nhận, kiểm tra trực tiếp và sở hữu nhanh chóng sản phẩm cũng như tương tác, kết nối với xã hội và cảm nhận không gian công cộng, họ cũng bị thu hút bởi sự thuận tiện trong việc tiếp cận đa dạng hàng hóa và linh hoạt thời gian mà mua sắm trực tuyến mang lại.

Mối tương quan trực tiếp giữa sự hiện diện thực tế và kỹ thuật số của nhà bán lẻ được phản ánh khi ngày càng nhiều người tiêu dùng đã từng mua sắm trực tiếp tại cửa hàng sau đó truy cập vào website, kênh bán hàng online của thương hiệu đó và ngược lại.

Người tiêu dùng ngày càng phát triển thói quen mua sắm đa kênh linh hoạt.

Điều nay khá tương đồng với một nghiên cứu của ICSC cho rằng thương mại điện tử và bán lẻ tại cửa hàng bổ sung cho nhau và thường tạo ra “hiệu ứng hào quang”. Cụ thể, việc mở một cửa hàng thực tế mới tại một thị trường giúp tổng lưu lượng truy cập vào trang web của nhà bán lẻ đó tăng trung bình 37%, tăng tỷ lệ lưu lượng truy cập web trong thị trường đó lên trung bình 27%.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đánh giá cao các cửa hàng bán lẻ cho phép đặt hàng trực tuyến và sau đó nhận tại cửa hàng trực tiếp.

Cũng theo Vietnam Report, xét riêng về kênh mua sắm trực tuyến, rõ ràng, với tỷ lệ người sử dụng internet tăng lên đến mức 79,1% dân số, trung bình mỗi người dành hơn 6 tiếng theo dõi nội dung trên mạng (theo báo cáo Digital 2023: Vietnam), không khó để lý giải sự phát triển ấn tượng của kênh bán hàng này.

Khi phân tích thứ tự ưu tiên đối với kênh mua hàng theo danh mục sản phẩm, thương mại điện tử đã tạo được sự thu hút mạnh mẽ. Thậm chí "nhỉnh" hơn về tỷ lệ người tiêu dùng ưa thích trong các danh mục thiết bị số (67,9%), thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh (54,9%) hay sách báo, tạp chí, văn phòng phẩm (52,8%).

Trong khảo sát của Vietnam Report năm 2022, phần lớn chuyên gia đã đưa ra nhận định mua/bán hàng trực tuyến trên các kênh truyền thông xã hội (social commerce) sẽ mang đến luồng gió mới cho toàn ngành bán lẻ. Thực tế, xu hướng này đã thể hiện rõ nét trong năm 2023.

Với lợi thế giao thoa giữa nội dung giải trí và yếu tố thương mại, mạng xã hội được xem như cuộc cách mạng trong việc kết nối với khách hàng và trở thành phương thức để quảng bá, bán sản phẩm/ dịch vụ trực tiếp. Từ bước khám phá sản phẩm thông qua quảng cáo, bài viết, livestream, đánh giá (review) trên các trang thương mại xã hội, người tiêu dùng có thể ngay lập tức mua một món đồ mà bản thân cảm thấy hứng thú và bỏ qua bước chuyển sang các nền tảng khác.

Do đó, hành trình mua sắm của người tiêu dùng trở nên ngắn, thuận tiện và hấp dẫn hơn. Đặc biệt, với tính phổ biến rộng rãi của các trang mạng xã hội đối với tầng lớp “công dân thế hệ số” - những người sinh trong giai đoạn 1980-2012, gồm thế hệ Y và thế hệ Z, tiềm năng của thương mại xã hội còn rất lớn, có thể sẽ tạo nên một bức tranh rất khác biệt cho ngành bán lẻ khi nhóm đối tượng này dự kiến sẽ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ của Việt Nam vào năm 2030.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm