Thị trường

Nhiều cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế ở Việt Nam

Các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mang lại dịch vụ tiện lợi trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nhiều cơ hội phát triển khởi nghiệp.

Phú Thọ: Hai chàng trai trẻ chung chí hướng khởi nghiệp / Bắc Giang: HTX là nơi phụ nữ khởi nghiệp

Chi tiêu y tế tại Việt Nam được BMI dự báo sẽ đạt giá trị 22,7 tỉ USD vào năm 2021, là một thị trường lớn tạo cơ hội cho các startup. Tuy nhiên, con số startup trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, theo thống kê của Forbes, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại châu Á.

Ông Levi Shapino, Chuyên gia Quỹ Đầu tư mạo hiểm InHealth đến từ Israel cho rằng, những người khởi nghiệp cần suy nghĩ đơn giản, không nên có động thái thay đổi hệ thống cũ mà cần dựa trên nền tảng cũ để phát triển các dịch vụ và tăng giá trị từ đó.

Ông dẫn ví dụ từ nhiều sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe phát triển thành công là thiết bị gắn vào bụng người có thai để theo dõi nhịp tim của thai nhi và người mẹ, sau đó chuyển thông tin lên ứng dụng. Khi người dùng được cảnh báo có vấn đề họ có thể gọi đến trung tâm hoặc bác sĩ tư vấn trả lời. Ở đây không chỉ là phát triển app mà là dịch vụ hỗ trợ sau đó.

Ảnh minh họa. Nguồn: Khởi nghiệp trẻ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Khởi nghiệp trẻ.

Hay như một ứng dụng để đo mắt cũng được một nhóm khởi nghiệp phát triển song lại không cạnh tranh với các nhà nhãn khoa, hay bác sĩ mà hướng đến các nhà bán kính, cung cấp dịch vụ để người dùng có thể mua kính.

Trở về từ Nhật Bản, ông Trần Quốc Dũng, chuyên gia khởi nghiệp thị trường Nhật Bản cũng chỉ ra những xu hướng trong lĩnh vực sức khỏe "ăn khách". Theo đó các công nghệ đang hỗ trợ đắc lực cho chăm sóc sức khỏe được sử dụng nhiều ở Nhật Bản là y bạ điện tử, thử nghiệm lâm sàng, xét nghiệm máu và tế bào, kiểm soát kháng kháng sinh, lịch sử sử dụng thuốc...

Với Việt Nam, ông Dũng cho rằng các công nghệ nên hướng tới là ứng dụng IoT giám sát chỉ số sức khỏe hay xây dựng hệ thống Telemedicine giảm gánh nặng cơ sở y tế tuyến trên hay các hệ thống nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ y tế: tìm kiếm thông tin, đăng ký dịch vụ, kết nối dữ liệu, kết nối bác sỹ, dược sỹ, chăm sóc sau khi sử dụng dịch vụ... là mảnh đất màu mỡ cho những người có dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Thực tế, ngày càng nhiều các startup về sức khỏe và y tế xuất hiện, nhưng đa phần thường tập trung vào sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, ngành công nghiệp nghìn tỷ đô này có nhiều cơ hội hơn là những gì chúng ta đang khai phá.

 

Nhiều startup y tế không thành công vì chọn cách tiếp cận không phù hợp ngay từ đầu. Họ mang chiến lược trong lĩnh vực công nghệ đem vào y tế, một ngành hoàn toàn khác với những bộ quy tắc riêng.

Mô típ chung trong lĩnh vực công nghệ là các startups sẽ phát triển sản phẩm với những tính năng cơ bản nhất có thể sử dụng. Kế đó, đẩy ra thị trường, lấy ý kiến phản hồi và hoàn thiện sản phẩm. Phương pháp này thường được gọi là khởi nghiệp tinh gọn. Tuy nhiên chiến lược này là không phù hợp với chăm sóc sức khỏe, một ngành công nghiệp phức tạp hơn rất nhiều.

Các sản phẩm y tế không chỉ cần hấp dẫn với người tiêu dùng mà còn thuyết phục các bên liên quan như bác sĩ, bệnh nhân, nhà quản lý và các nhà bảo hiểm. Tất cả các tác nhân này đều có ý kiến về việc liệu công nghệ mới có được chấp nhận hay không.

Các sản phẩm, đặc biệt là những thiết bị y tế, có thể phải mất nhiều năm trải qua những kiểm nghiệm lâm sàn phức tạp trước khi chúng tiếp cận thị trường và không phải lúc nào cũng dễ dàng được thông qua lần nữa khi lặp lại các thử nghiệm.

Trong môi trường này, cách tiếp cận "đi nhanh và phá vỡ mọi thứ" có thể trở thành "đi nhanh và mọi thứ phá sản". Ví dụ, nhiều nhà sáng lập tập trung xây dựng và tiếp thị sản phẩm cho người tiêu dùng đầu cuối. Nhưng khi thực tế sản phẩm ra thị trường, chính các bác sĩ và những công ty bảo hiểm mới thực sự là những người gác cổng và là khách hàng mà các startups nên bán sản phẩm.

 

Trong trường hợp này, các startups mắc lỗi cơ bản trong định vị khách hàng mục tiêu. Đây là lý do tại sao 61% các công ty khởi nghiệp y tế bắt đầu với mô hình B2C (Business to customer), sau đó chuyển qua mô hình B2B (business to business) và bán sản phẩm cho các công ty bảo hiểm, doanh nghiệp, bệnh viện hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác thay vì hướng trực tiếp đến người dùng đầu cuối.

Một cách tiếp cận tốt hơn cho các startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đó là hãy đi từ chính nhu cầu thị trường, hiểu sâu sắc về nhu cầu đó và xây dựng giải pháp giải quyết thay vì tự nghĩ ra một công nghệ (ví như màn hình theo dõi giấc ngủ) và cố thuyết phục khách hàng sử dụng.

Sau khi xác định những nhu cầu chưa được đáp ứng, các nhà đổi mới sáng tạo phải đi sâu để hiểu rõ vấn đề, giải pháp hiện có, kỳ vọng và quan điểm của tất cả các bên liên quan. Quá trình này thường gắn kết với nghiên cứu về tài liệu y học; phỏng vấn bác sĩ, bệnh nhân và các bên liên quan khác; đồng thời bao gồm cả việc quan sát trực tiếp từng cá nhân người dùng để xem sản phẩm được tạo ra đáp ứng như thế nào.

Thông qua quá trình này, các nhà đổi mới sáng tạo phát triển bộ tiêu chí cần thiết, tức là một danh sách các yêu cầu thiết yếu mà một giải pháp phải cung cấp được để đáp ứng các nhu cầu của các bên liên quan và cải thiện tiêu chuẩn chăm sóc hiện tại. Những yếu tố này có thể bao gồm độ chính xác, chi phí, tính dễ sử dụng, tích hợp với các quy trình làm việc hiện có…

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm