Thị trường

Nhiều "đại bàng" đến Việt Nam "xây tổ", rót hàng tỷ USD cho tăng trưởng xanh

DNVN - Chia sẻ tại tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" sáng 27/4, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh.

Ngành may mặc cần hướng đến tăng trưởng xanh / Cần 30 tỷ USD để kinh tế tăng trưởng xanh

Xu thế tăng trưởng xanh trở thành một lựa chọn tất yếu và là mục tiêu mà mọi quốc gia đang hướng tới. Đây là cách tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển hài hòa kinh tế - xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã rất nhiều lần nhấn mạnh đề nghị các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và nhất là hỗ trợ về nguồn vốn với chi phí hợp lý để quá trình chuyển đổi, xanh hóa nền kinh tế của Việt Nam.

Các chuyên gia tham gia tọa đàm "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam".

Với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, những nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã và đang lựa chọn Việt Nam để "xây tổ", như Lego, tập đoàn Nestle'… là minh chứng tiêu biểu nhất cho thấy, khối DN FDI đã và đang có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu về tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động toàn bộ sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp FDI.

“Sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI là rất lớn. Cho đến nay, theo tính toán của chúng tôi, khu vực doanh nghiệp bao gồm doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như là năng lượng tái tạo, hay là đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh.

Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức độ tăng trưởng khá cao, tức là 10-13%. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt”, ông Tuấn nói.

Cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.

Nếu trước đây các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn thách thức thì bây giờ, các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh của mình, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của mình.

Đồng thời, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, tạo ra một sự bảo vệ môi trường thân thiện, sử dụng một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn. Quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong việc cần phải thực hiện phát triển xanh, đầu tư xanh, ứng với một nền kinh tế xanh, xã hội xanh.

Theo ông Đào Thế Anh, Viện Phó Viện Khoa học nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), Chiến lược tăng trưởng xanh do Chính phủ ban hành, Bộ NNPTNT trước hết bắt tay xây dựng Chiến lược phát triển NNPTNT bền vững 2021-2030.

Vào đầu năm 2022, Bộ NNPTNT đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành nông nghiệp thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh chung của Chính phủ, trong đó xác định quyết tâm trong 10 năm tới, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp khoảng từ 2,5-3% hàng năm để đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân; vừa đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu tăng khoảng 5-6%.

Cùng với đó là đạt được mục tiêu an ninh lương thực, anh ninh dinh dưỡng, xóa đói giảm nghèo cho toàn bộ người dân Việt Nam.

“Ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện cam kết của mình, hiện nay phát thải của nông nghiệp khoảng 30%, tương đối cao, trong khi tiềm năng của ngành giảm tốt. Chúng tôi cũng có cam kết đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp. Đến 2050, thực hiện đúng cam kết của Chính phủ là "Net Zero" phát thải trong nông nghiệp”, ông Thế Anh nói.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm