Thị trường

Nhiều mặt hàng nông sản được mùa, song giá thấp do tiêu thụ khó khăn

DNVN - Theo báo cáo của Tổ công tác 970, tính đến hết ngày 16/8/2021 hiện nay nhiều loại nông sản có sản lượng cao nhưng việc tiêu thụ vẫn còn khó khăn tại các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn khi thực hiện 3 tại chỗ.

Xác minh thông tin Trung Quốc đột ngột dừng xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh / Vận chuyển hàng hoá: “Giờ chỉ còn lo huyện lộ và xã lộ”

Theo báo cáo của Tổ công tác 970 về tình hình sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tính đến hết ngày 16/8/2021, tình hình sản xuất nông sản, chăn nuôi, thủy hải sản vẫn được duy trì, không có nhiều biến động, nguồn cung vẫn dồi dào. Tuy nhiên, tại các tỉnh phía Nam thì tình hình sản xuất, tiêu thụ có khó khăn.

Sản lượng cao, giá thấp do tiêu thụ khó khăn

Về tình hình sản xuất, hiện nay lúa Hè Thu đã thu hoạch là 820 nghìn ha; năng suất đạt 56,7 tạ/ha; sản lượng 4.645 nghìn tấn. Diện tích lúa Hè Thu còn lại chưa thu là 690 nghìn ha đang ở giai đoạn đòng trổ và chín, các trà lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Ước cả vụ 1,510 triệu ha, năng suất 56,7 tạ/ha, sản lượng 8,6 triệu tấn. Lúa Thu Đông đã gieo sạ được 400 nghìn ha/700 nghìn ha kế hoạch, đạt 57%.

Nguồn cung sản phẩm chăn nuôi vẫn duy trì đa dạng và không có biến động. Trong đó nguồn cung thịt lợn và trứng gia cầm tốt, cung ứng đủ cho hệ thống siêu thị, các mặt hàng thịt đông lạnh nhập khẩu vẫn được các doanh nghiệp nhập về theo nhu cầu thị trường.

Hoạt động sản xuất thủy sản vẫn đang duy trì, 13 tỉnh ĐBSCL là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra. Tình hình con giống, thức ăn và vật tư thủy sản vẫn ổn định. Toàn vùng chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Khi giãn cách xã hội, các doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, về ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương, song theo Tổ công tác 970 đến nay cơ bản đã được tháo gỡ.

Giá tôm xuống thấp trong tuần trước, hiện bắt đầu tăng trở lại, tuy thấp hơn những tháng trước nhưng không khác biệt so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại nhà máy chế biến thủy sản. Theo đó, hình thành “vùng xanh”, cho phép công nhân được ở nhà và đưa đón đến nhà máy. Tại Cà Mau, công suất chế biến đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch.

Tuy nhiên, khó khăn trong sản xuất thủy sản hiện nay là giá một số mặt hàng xuống thấp. Ví dụ, cá tra giống rất thấp (21.000-23.000 đồng/kg); giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài khoảng 21.000 đồng/kg. Giá tôm xuống thấp nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu vào cuối năm.

Tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn. Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở (có ca nhiễm COVID-19 phải dừng sản xuất là 19 cơ sở và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ). Như vậy còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%. Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16. Do TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí 3 tại chỗ rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn công tác thu mua.

Sản lượng chăn nuôi vẫn dồi dào, tuy nhiên giá thấp.

Sản lượng chăn nuôi vẫn dồi dào, tuy nhiên giá thấp. Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, một số cây ăn quả vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều đến thu mua và tiêu thụ do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp như thanh long, nhãn, chôm chôm, dứa.

Cây thanh long: Đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán thấp tại vườn đối với thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000 đồng/kg; thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi và lỗ với những hộ đầu tư thâm canh cao.

Cây xoài: Đang cuối mùa vụ thu hoạch, sản lượng không đáng kể, tình hình tiêu thụ tương đối tốt, giá bán ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg với xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu 10.000 - 12.000 đồng/kg.

Cây chuối: Với chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tương đối tốt, các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu giá bán tại vườn thấp 2.000 - 4.000 đồng/kg. Tiêu thụ trong nước bắt đầu chậm lại do tác động của dịch bệnh.

 

Cây nhãn: Đang thu hoạch chính vụ, tiêu thụ chậm, gặp khó khăn do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm bằng khoảng 50% so với năm trước, nhãn Eldor tại vườn 8.000 - 10.000 đồng/kg; nhãn xuồng cơm vàng 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Chanh: Giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp, đang ở mức rất thấp 1.500 - 2.000 đồng/kg mà lượng thương lái thu mua ít.

Thị trường chăn nuôi: Giá thị trường sản phẩm thịt gia súc, gia cầm đang giảm. Cụ thể, thịt lợn hơi 50.000–54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp hơn 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đồng/kg (giảm 19,1-19,2%). Với việc giảm mạnh tiêu thụ do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá ngô vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn. Có thể thấy chỉ khi các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn kiểm soát được COVID-19, việc thông thương thuận lợi hơn thì giá gia cầm mới hồi phục trở lại.

3 kiến nghị hỗ trợ cho lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản

Trước diễn biến như trên Tổ công tác 970 đã đưa ra 3 kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Theo đó, lĩnh vực trồng trọt, đề nghị ngành Nông nghiệp các tỉnh, thành phố phía Nam tập trung chỉ đạo: Xây dựng kế hoạch chi tiết, thích ứng với tình hình dịch bệnh, thị trường và khí tượng thủy văn, đảm bảo diện tích, năng suất, sản lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của từng tỉnh và toàn vùng về lương thực, đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống thiên tai, dịch bệnh.

 

Tập trung chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản cây ăn trái, chủ động rải vụ thu hoạch, tranh thủ thời gian kiến thiết lại vườn, tỉa cành, tạo tán, chủ động điều chỉnh năng suất, sản lượng cây trồng.

Xây dựng kế hoạch, phục hồi sản xuất rau, màu chuẩn bị cho Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, hạn chế việc khan hiếm rau, củ quả phục vụ sinh hoạt tại địa phương và đủ hàng hóa cung cấp cho thời gian bình thường mới.

Lĩnh vực chăn nuôi, Tổ công tác 970 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và lùi thời gian đóng thuế thu nhập cho các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, giết mổ, trang trại trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc áp dụng “3 tại chỗ”. Mức hỗ trợ 50% chi phí. Hỗ trợ trong thời gian tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.

 

Hỗ trợ các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi chi phí mua vật tư sản xuất chăn nuôi. Mức hỗ trợ 20% chi phí đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; 30% chi phí đối với hộ nông dân. Thời gian hỗ trợ từ 1/9/2021 – 31/12/2021.

Lĩnh vực thủy sản, các địa phương nắm sát tình hình, kịp thời quan tâm hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất, vận chuyển sản phẩm và vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Hỗ trợ các nhà máy chế biến cá tra đang tạm ngưng sớm khôi phục sản xuất.

Đề nghị các địa phương có điều chỉnh theo tình hình thực tế mô hình “3 tại chỗ”, mô hình “1 cung đường 2 điểm đến” hoặc mô hình kết hợp đặc biệt ở các tỉnh Nam sông Hậu, có mức độ dịch ít nghiêm trọng hơn để tăng công suất và giảm chi phí cho cơ sở chế biến, tạo đầu ra cho toàn chuỗi. Tạo điều kiện về xét nghiệm và di chuyển của nhân công, phương tiện thu hoạch, vận chuyển thuỷ sản.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm