Thị trường

Nhiều quy định giúp minh bạch hóa mặt hàng quả chuối xuất sang Trung Quốc

DNVN - Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc vừa được ký ngày 31/10 sẽ làm minh bạch hàng hóa và chuẩn hóa khâu sản xuất.

Ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc / Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê Việt Nam

Nhằm xuất khẩu an toàn quả chuối tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc và căn cứ kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Nghị định nêu rõ: Chuối được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc là chuối chưa chín được thu hoạch trong vòng từ 10 - 16 tuần sau khi ra hoa.

Tất cả vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ NN&PTNT Việt Nam và được Bộ NN&PTNT Việt Nam, Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký bao gồm tên, địa chỉ và mã số để khi phát hiện bất cứ sản phẩm nào không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.

Trước khi xuất khẩu, Bộ NN&PTNT Việt Nam phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách đăng ký để phê duyệt và cập nhật thường xuyên. Danh sách này sẽ được công bố trên trang web chính thức của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Vùng trồng và cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải đăng ký với Bộ NN&PTNT.

Dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT Việt Nam, tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), ví dụ như duy trì các điều kiện vệ sinh vùng trồng và cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ những quả rụng và thối.

Phải thực hiện chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng cơ học, hóa học hoặc sinh học; bao quả trong quá trình sinh trưởng; thu hoạch trước khi quả chín và các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại khác...

Trong năm đầu tiên kể từ ngày nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ NN&PTNT Việt Nam phải tiến hành kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 1 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%.

Trong trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói liên quan sẽ không được xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc trong thời gian còn lại của mùa vụ.

Bộ NN&PTNT Việt Nam sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân và áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả.

Đồng thời, hồ sơ của các trường hợp vi phạm phải được lưu giữ và cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu.

Sau khi hoàn tất công tác kiểm dịch, Bộ NN&PTNT Việt Nam sẽ cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật theo Tiêu chuẩn quốc tế về các biện pháp kiểm dịch thực vật số 12 (ISPM 12) bao gồm tên đăng ký hoặc mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Nghị định thư này có hiệu lực trong 5 năm và sẽ tự động gia hạn hiệu lực theo chu kỳ 5 năm.

Đánh giá về vai trò quan trọng của nghị định, TS Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh việc tăng cường ký kết nghị định thư giúp tạo ra 3 giá trị.

Đó là giúp minh bạch hóa thị trường, giảm những tồn tại về tình trạng mù mờ thông tin, cũng như xuất khẩu tiểu ngạch.

Nghị định thư sẽ thúc đẩy từ người canh tác, các vùng trồng, cơ sở đóng gói và doanh nghiệp thương mại sản xuất theo quy chuẩn. Đây là tiền đề để ngành nông nghiệp nói riêng và xã hội nói chung tái tổ chức sản xuất theo hướng bài bản hơn, có trách nhiệm hơn, góp phần nâng cao quy mô sản xuất theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Đồng thời, nông sản Việt Nam sẽ từng bước nâng cao được chất lượng, gia tăng về giá trị, cũng như đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời có cơ hội tiếp cận với những thị trường khó tính.

Bên cạnh những điểm được kể trên, người dân và doanh nghiệp trong nước cần nâng cao nhận thức về kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm soát đối tượng dịch hại và các hoạt động ghi chép hồ sơ vùng trồng, cơ sở đóng gói.

"Để đáp ứng, chúng ta phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, từ quy trình canh tác, vệ sinh nhà xưởng cho đến đào tạo tập huấn nhân công. Mục đích nhằm tạo ra những sản phẩm truy xuất được nguồn gốc, giúp người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn", Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam bày tỏ.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm