Thị trường

Những điểm nghẽn cần khơi thông hậu Covid-19

DNVN - Đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế Việt Nam, các chuỗi đứt gãy trong cung – cầu của các nền kinh tế thế giới, sự đóng băng của các nước khiến nước ta gặp ít nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia đã có những đánh giá nhận diện về điểm nghẽn phát triển kinh tế Việt Nam hậu Covid-19.

TP.HCM: Đến 15/10/2020 giải ngân vốn đầu tư công phải đạt từ 80% trở lên / 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1%

Tại Hội thảo "Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trng ương (CIEM) tổ chức sáng 01/6/2020 tại Hà Nội, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, trong bối cảnh quốc tế vẫn đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19, thế giới và Việt Nam đang phải đối mặt với việc phải duy trì sự phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống người dân. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và giải pháp căn cơ, theo đó dịch bệnh được kiểm soát tốt, phát triển kinh tế đã có khởi sắc ban đầu. Bằng chứng là DN bắt đầu có sự khôi phục thông qua các chỉ tiêu DN thành lập mới, DN quay trở lại hoạt động trong tháng 5/2020.
Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã tác động nặng nề đến kinh tế Việt Nam, các chuỗi đứt gãy trong cung – cầu của các nền kinh tế thế giới, sự đóng băng của các nước khiến Việt Nam gặp ít nhiều khó khăn.
“Trong bối cảnh cảnh đó, chúng đã đã nhận diện rõ hơn những điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam mà khi chưa có dịch những điểm nghẽn, thách thức đó cũng đã nhận ra nhưng chưa thật rõ, đó là việc Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nền một nền kinh tế duy nhất, không đa dạng hóa thị trường tiêu thụ sản phẩm hay thị trường trong nước chưa được chú ý đúng mức cũng như câu chuyện liên quan đến chính sách công nghiệp khi chưa có chuỗi sản xuất công nghiệp chủ động được từ việc sản xuất nguyên vật liệu đến nắm vững công nghệ, khoa học tiên tiến để làm chủ chuỗi giá trị. Dịch bệnh Covid-19 đã làm nổi rõ hơn những điểm nghẽn, những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ phải đương đầu trong thời gian tới”, bà Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
3 điểm nghẽn phát triển sau Covid-19
Trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM đã nói rõ hơn về những điểm nghẽn phát triển của Việt Nam.
Theo ông Dương, kinh tế Việt Nam đối mặt với 3 điểm nghẽn, đó là thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Cụ thể, về chất lượng thể chế, đó là vai trò của Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); Hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; Phát triển bao trùm và bền vững; Ứng xử với nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho rằng có 3 điểm nghẽn phát triển hậu Covid-19.
Về hạ tầng số, ông Dương dẫn kết quả xếp hạng về sẵn sàng công nghệ của EIU: Việt Nam đứng thứ 65 trong giai đoạn 2018 – 2022. Dù đã cải thiện so với mức 67 trong giai đoạn 2013 – 2017 nhưng vẫn ở mức thấp.
Về nguồn nhân lực, báo cáo của CIEM cho thấy năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện so với yêu cầu; Khả năng thích ứng với điều kiện làm việc trong chuỗi giá trị và khả năng thích ứng với điều kiện “biến động lớn” vẫn còn hạn chế.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành - Nguyên Viện trưởng CIEM đánh giá trong thời điểm hiện nay Việt Nam đối mặt với 3 bài toán lớn nhất. Một là khống chế dịch bệnh Covid-19, sống chung với nguy cơ dịch Covid-19, gắn với duy trì, cầm cự và phục hồi. Hai là xử lý những vấn đề tồn đọng, ví dụ như 12 dự án trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng, nợ xấu sau Covid-19 chắc chắn sẽ tăng, thâm hụt ngân sách sẽ lớn... Ba là tái cấu trúc nền kinh tế để đi lên.
Phân tích sâu về tái cấu trúc, TS Võ Trí Thành cho hay, tái cấu trúc của Việt Nam trong vòng 7 -8 năm qua đã ổn định được kinh tế vĩ mô, với 3 đột phá về hạ tầng, thể chế và con người. Và 3 – 4 năm nay là các hoạt động đổi mới sáng tạo, và phát triển khu vực tư nhân. Cùng với đó, trong những năm qua chúng ta đã ưu tiên nông nghiệp, du lịch, cụm liên kết ngành và một số ngành dịch vụ, trong ngành dịch vụ đang nổi lên vấn đề kinh tế số.
Yêu cầu cải cách thể chế
Với những điểm nghẽn phát triển nêu trên, ông Nguyễn Anh Dương đã nêu ra một số câu hỏi: Làm thế nào để chuẩn bị và thực thi cải cách thể chế ngay cả trong quá trình phục hồi kinh tế (thay vì chờ đến hết giai đoạn phục hồi mới cải cách tiếp)? Vai trò của Nhà nước gia tăng ở mức độ/khía cạnh nào? Nhà nước "to" hơn, hay "kiểm soát" nhiều hơn, hay cả hai? Liệu đã đến lúc đặt DN ở vị trí trung tâm phát triển bền vững?...
Gợi mở về một số yêu cầu cải cách thể chế, ông Dương cho rằng cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch: Tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế liên quan; Phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19: Xây dựng và thực thi thế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế; Tái cơ cấu kinh tế và hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút FDI; Cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN; Phát triển hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số); Phát triển kỹ năng thích ứng cho DN và NLĐ; Thực hiện hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA mới (CPTPP, EVFTA); Thực hiện các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.
Đánh giá cáo báo cáo đề dẫn của ông Dương, TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, cần phải phân tích tác động của dịch bệnh đối với kinh tế toàn cầu và đại dịch đặt ra vấn đề là mỗi nước cần 1 cơ cấu kinh tế tự chủ nhất định.
Ông Doanh hoan nghênh việc Chính phủ coi trọng kinh tế số và Chính phủ điện tử. Tuy vậy, theo ông "phải thấy rằng số DN nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam là rất lớn và kinh tế phi hình thức chiếm khoảng 19,7% GDP và số người lao động cũng khá lớn thì kinh tế số sẽ phải phát triển như thế nào. Và câu chuyện 5 triệu hộ nông dân sẽ kết hợp với kinh tế số như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất".
Theo gợi ý của TS. Lê Đăng Doanh, kinh tế tư nhân phải phát triển nhanh hơn và mạnh lên. Còn các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình cần liên kết lại để áp dụng kinh tế số, chuyển nông nghiệp sang trình độ cao hơn, không dừng lại ở nông nghiệp thô mà phải chế biến sâu, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Đặc biệt, ông Doanh nhấn mạnh Nhà nước cần phải thực hiện công khai minh bạch như chúng ta đã làm trong dịch bệnh Covid-19 với việc công bố thông tin, số liệu nhanh nhậy, kịp thời. Nhà nước cần vận dụng tiêu chuẩn về minh bạch, công khai thông tin như các nước tiên tiến.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI đề xuất về cải cách môi trường kinh doanh và thể chế. Theo đó, cải cách thể chế và TTHC trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh hơn.
Việt Nam đã đi những bước đi dài trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách khó – những vấn đề sau đăng ký của DN như cạnh tranh, chất lượng điều hành, hợp đồng tài sản, tranh chấp. Điều này đòi hỏi cải cách mạnh mẽ hơn và thay đổi lớn hơn. Theo tôi, trong bối cảnh mới hiện nay Việt Nam phải chuyển sang giai đoạn tạo điều kiện thuận lợi, chứ không phải là tháo gỡ khó khăn cho DN để tạo môi trường thúc đẩy khởi nghiệp để kiến tạo", ông Đậu Anh Tuấn nói.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm