Những mảng màu của bức tranh kinh tế quý I/2024
Giá xăng dầu tăng giảm đan xen / Vì sao giá vàng trong nước liên tục tăng nóng?
Tăng trưởng cao nhất trong 4 năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây (năm 2020 tăng 3,21%; năm 2021 tăng 4,85%; năm 2022 tăng 5,12%; năm 2023 tăng 3,41%). Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi thời kỳ hậu COVID-19, cũng như thể hiện sức chống chịu tốt trước những bất ổn về địa chính trị trong thời gian qua.
Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) đánh giá, với mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% trong cả năm 2024, trong đó quý I dự báo có mức tăng tương ứng 5,2 - 5,6%, kinh tế Việt Nam đang theo sát kịch bản cao (tăng 6,5% cho cả năm). “Mức tăng trưởng 5,56% ở cận trên của kịch bản tăng trưởng. Kinh tế Việt Nam đã có khởi đầu hết sức tích cực”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá.
Ảnh minh họa.
Trong sự khởi đầu đầy tích cực này, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng 2,98%. Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh đánh giá, hoạt động sản xuất nông nghiệp tiếp tục ổn định, đáp ứng nguồn cung cho tiêu dùng trong nước cũng như hoạt động chế biến và xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp là điểm sáng khác với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 6,98%. Theo thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 54 địa phương.
Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD. Trong quý I/2024 có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
“Thỏi nam châm” hút FDI
Với việc nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và lạm phát được kiểm soát, Việt Nam tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Ước tính, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2024 đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ba tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,63 tỷ USD. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của ba tháng đầu năm trong 5 năm qua.
“Những con số đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong kết nối với thế giới. Chúng ta đã khẳng định được vị thế, uy tín cũng như thương hiệu của Việt Nam trên trường quốc tế” - theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Là doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam được gần 30 năm, Công ty Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao của nhà máy được đặt tại tỉnh Đồng Nai.
Ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết: "Tính đến nay, chúng tôi đã đầu tư gần 830 triệu USD, với 4 nhà máy tại Việt Nam. Thông qua dự án này, chúng tôi cũng mong muốn có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam".
Tròn 4 năm có mặt tại Việt Nam, Uniqlo - nhà bán lẻ quần áo LifeWear đến từ Nhật Bản hiện đã có tới 22 cửa hàng. Còn thương hiệu AEON có đến 8 trung tâm mua sắm lớn, với tổng vốn đầu tư hơn 1,18 tỷ USD.
Ông Ichiro Hara - Giám đốc điều hành Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản đánh giá: "Từ trước đến nay, chủ yếu các doanh nghiệp chế tạo của Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là địa điểm xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp thương mại bán lẻ, các chuỗi siêu thị Nhật Bản cũng đầu tư vào Việt Nam, do họ cũng quan tâm đến tiềm năng và sức tiêu thụ của thị trường Việt Nam".
Những gam màu tối
Kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng được cải thiện song bức tranh tổng thể vẫn có gam màu tối. Ước tính, 3 tháng đầu năm có 73.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 53.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 15.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ở chiều ngược lại, 3 tháng đầu năm chỉ có 59.900 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động. Bình quân một tháng chỉ có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.
Nhiều DN gặp khó trong quý I (Ảnh minh họa)
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2024, chỉ có 22,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý IV/2023. Và 42,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh gay gắt khi hàng hóa bên ngoài tràn vào Việt Nam với giá rẻ. Sản xuất công nghiệp quý I/2024 đã phục hồi nhưng vẫn còn chậm. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt tình trạng đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu ở mức cao. Dù đang đối diện với rất nhiều thách thức, song đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp thanh lọc, cơ cấu để làm mới mình.
Những con số này cho thấy, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối diện nhiều thách thức lớn. “Địa chính trị toàn cầu còn nhiều rủi ro và bất ổn, kinh tế Việt Nam có độ mở cao dễ chịu tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới. Sự suy thoái, tăng trưởng thấp của nhiều nền kinh tế cũng tác động đến nhu cầu hàng hóa nhập khẩu từ đó tác động đến hoạt động sản xuất của Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhận định.
Nhu cầu trong nước vẫn cho thấy xu hướng giảm mặc dù tổng mức bán lẻ, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã tăng cao nhưng chưa đạt so với thời kỳ trước dịch. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến ngày 25/3/2024 chỉ đạt 0,26% - thấp trong nhiều năm qua.
Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp, dòng vốn chuyển dịch từ người cho vay đến người sản xuất cần phải được khơi thông. Dù quý I/2024, tăng trưởng với kịch bản cao song Tổng cục Thống kê đánh giá, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% vẫn là thách thức lớn.
Về giải pháp, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, các chính sách cần quan tâm đến đối tượng tạo ra giá trị sản xuất lớn nhất của nền kinh tế là các doanh nghiệp. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp về: thuế, đất đai, vốn, thương mại đầu tư… Bà Nguyễn Thị Hương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “cỗ xe tam mã” là: đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng cần phải đặc biệt được chú trọng để kéo cỗ xe kinh tế đi cùng hướng, cùng nhịp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu