Thị trường

Những mô hình chợ và siêu thị sáng tạo thời giãn cách xã hội

DNVN - Chợ lưu động, bán hàng theo "combo", mang chợ ra không gian thoáng, siêu thị di động kiểu mới, hay bán hàng thiết yếu trên chợ điện tử... là những mô hình bán hàng sáng tạo và thông minh đã và đang được một số địa phương áp dụng để đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời giãn cách.

Tiền Giang: Bình ổn thị trường, giúp dân an tâm giãn cách xã hội / VCCI kiến nghị một số giải pháp thu ngân sách giúp doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh


Bán hàng theo "combo"
Hình thức bán hàng hàng theo "combo" (gói những hàng hoá thiết yếu nhất phục vụ đời sống người dân hàng ngày) đang được áp dụng nhiều nơi tại TP Hồ Chí Minh. Nhiều siêu thị cũng đưa ra biển hướng dẫn cách mua hàng theo cách này để người dân tiện mua sắm, như: Chọn hàng và điền đầy đủ vào phiếu thông tin, thanh toán và chuyển đơn đặt hàng đến cán bộ phụ trách trên địa bàn và nhận hàng theo lịch của cơ quan quản lý trên địa bàn.
Hiện nhiều siêu thị như Vinmart, Vinmar+, Bách Hóa Xanh... cũng đã bắt đầu áp dụng bán hàng dưới dạng "combo", đăng ký trước cho nhiều địa phương, và sẽ tăng mạnh thêm quy mô hoạt động để hỗ trợ người dân.
Theo đó, khi cần, người dân có thể đăng ký mua chung, hoặc liên hệ với địa phương để chuyển đơn hàng đến người đại diện. Thông qua đó, đơn hàng mua chung sẽ được địa phương và siêu thị thiết lập.
Siêu thị di động kiểu mới
Mới đây, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới". Theo đó, mô hình này sẽ bày bán với hơn trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt. Ngoài ra, chương trình có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu gửi đến những hộ gia đình khó khăn.

Siêu thị di động tại TP Hồ Chí Minh.
Mô hình này dự kiến kéo dài trong 2 tháng và sẽ tăng quy mô lên 3-4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc bán tại 1-2 điểm.
Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, hơn một tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng này.
“Đi chợ giùm dân”
Theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, nhiều hình thức cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong mùa dịch góp phần giúp tỉnh An Giang kiểm soát dịch bệnh. Nếu ở xã An Thạnh Trung (huyện Chợ Mới), Khánh Bình (huyện An Phú), thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) có “Chuyến xe 0 đồng” thì ở phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc), xã Phú Vĩnh (TX. Tân Châu) và nhiều nơi khác có “Gian hàng 0 đồng”. Trong khi đó, phường Long Thạnh (TX. Tân Châu) có mô hình “Đi chợ giùm dân" trong mùa dịch triển khai rất hiệu quả.
Mô hình này cũng được đề xuất áp dụng ở nhiều địa phương khác có dịch, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Với những hiệu quả bước đầu, ngành Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tại An Giang vận động doanh nghiệp, nhà cung cấp tham gia chương trình bình ổn để trong thời gian chống dịch, hàng hóa thiết yếu có giá cả ổn định, giúp nhân dân có đầy đủ dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng để phòng, chống dịch.
"Mang chợ ra chỗ thoáng"
Một số siêu thị ở Cần Thơ đã áp dụng mô hình bán hàng thông minh, cho phép người mua hàng theo "combo" tại các quầy bán lưu động ở khu vực thoáng khí và hạn chế tối đa tiếp xúc.

Cần Thơ áp dụng mô hình "mang chợ ra chỗ thoáng".
Đại diện Tổ Công tác đặc biệt khu vực các tỉnh thành phía Nam của Bộ Công Thương cho biết, việc các siêu thị tận dụng khu vực sảnh, hành lang, khuôn viên trung tâm thương mại để bày bán các quầy hàng giãn cách đã hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người người mua. Đây là mô hình rất thông minh, cần được cân nhắc áp dụng với các địa phương khác có dịch, với biến chủng Delta có nguy cơ lây lan nhanh.
Sau 21 ngày thực hiện Chỉ thị 16, tình hình thị trường tại Thành phố Cần Thơ khá ổn định, nguồn cung đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong ngày 8/8 giá cả các mặt hàng thiết yếu nhìn chung ổn định. Trong đó, sức mua một số mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng 10% so với ngày 7/8.
Mô hình bưu cục và chợ thương mại điện tử
Nhàm kết nối chuỗi cung ứng hàng đến các vùng cáo dụng, Bộ Công Thương cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai công tác phân phối, lưu chuyển hàng hóa trong khu vực có dịch và hệ thống các điểm bán của bưu điện làm điểm phân phối hàng hóa.
Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương cũng làm đầu mối cung cấp liên hệ của Sở Công Thương các tỉnh phía Nam cho các doanh nghiệp trực tiếp liên hệ hỗ trợ các tỉnh thành kết nối, tiêu thụ nông sản, hàng hóa thiết yếu thông qua hoạt động vận chuyển, sàn thương mại điện tử và bán hàng offline hay lưu động tại các tỉnh, thành phố.
Đến nay, đã có 5 doanh nghiệp tham gia cung cấp hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang giãn cách xã hội từ trung tuần tháng 7. Tính đến hết ngày 7/8, tổng khối lượng hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp này cung ứng tới người dân các địa phương trên cả nước là 14.584 tấn, tăng 11% so với ngày 6/8. Đến hết ngày 7/8, trên cả nước các doanh nghiệp bưu chính đã thiết lập tổng số 3.735 điểm cung cấp hàng hóa thiết yếu. Tổng khối lượng 14.584 tấn hàng hóa thiết yếu đã được các doanh nghiệp bưu chính cung cấp cho người dân các tỉnh, thành đang giãn cách có tổng giá trị 448,43 tỷ đồng, tăng 11% so với ngày 6/8.
Chợ lưu động
Những ngày qua, nhiều chợ truyền thống, siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội phải tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, mặt khác người dân cũng không thể di chuyển sang các chợ lân cận nên việc mua thực phẩm phục vụ cuộc sống hằng ngày gặp nhiều khó khăn.

Chợ lưu động tại Hà Nội.
Để giải quyết tình trạng trên, mô hình siêu thị, chợ lưu động đã được triển khai phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và giảm áp lực cho các chợ dân sinh. Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.
Tại quận Long Biên, một siêu thị trên địa bàn đã phối hợp với chính quyền địa phương mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại khu dân cư. Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), UBND phường đã bố trí 2 điểm chợ lưu động tại Trung tâm văn hóa thể thao phường và sân bóng B5 sau khi chợ Đồng Xa, chợ dân sinh lớn nhất tại phường, bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch.
Mô hình này cũng được nhiều địa phương khác như TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch áp dụng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, hiện nay, cùng với việc bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại Thủ đô trong thời gian toàn TP thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp bưu chính đang tập trung để vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch tại 19 tỉnh, thành phía Nam gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long và Bạc Liêu.
Đây được xác định là một trong những kênh phân phối sẽ được phát huy tối đa hiệu quả trong thời gian tới nhằm cung ứng hàng hóa đến cho người dân các địa phương đang thực hiện cách ly theo các chỉ thị của Chính phủ.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm