Thị trường

Nông nghiệp về đích sớm

11 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản đã cán đích chỉ tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ giao.

Nghề thẩm định giá: "Mong manh" giữa lằn ranh Đúng - Sai / Giá xăng tiếp tục giảm mạnh vào ngày mai?

2021 là một năm có những thách thức chưa từng có đối với ngành nông nghiệp khi dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, diễn biến mưa lũ phức tạp tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Nhưng trong khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp lại tiếp tục khẳng định mình là trụ đỡ của nền kinh tế với dấu ấn tăng trưởng ấn tượng.

Chỉ cần 11 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt 1,5 tỷ USD so với chỉ tiêu Chính phủ giao, và có thể chạm mốc 47 tỷ USD trong cả năm nay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi xuất khẩu tháng 8 và 9 chững lại do COVID-19, thì tháng 11 và 12, mỗi tháng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 3,5-4 tỷ USD. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng so với năm ngoái. Điển hình như giá hồ tiêu tăng tới 55%, giá cà phê, cao su, gạo lần lượt tăng ở mức gần 11%, 26% và 6,5%.

Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục là 4 khách hàng lớn nhất của nông sản Việt xuất khẩu. Trong đó thị trường Mỹ là lớn nhất khi chiếm gần 28% tổng kim ngạch.

“Nguyên nhân để chúng ta đạt được thành tích nói trên là sự năng động, chủ động của người sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó là chinh sách hỗ trợ từ phía nhà nước”, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn cho biết.

Không thể phủ nhận kết quả xuất khẩu nông sản năm nay là điểm sáng, nhưng số liệu cũng cho thấy thặng dư thương mại đã giảm 55% so với năm ngoái do giá nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị, bao bì… cao.

Ngành nông nghiệp tiếp tục đứng trước 3 biến động, đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự dịch chuyển xu thế tiêu dùng. Trong bối cảnh này việc thích ứng để tạo động lực mới cho phát triển là một đòi hỏi cấp thiết.

Nông nghiệp về đích sớm - Ảnh 1.

Người nông dân hưởng lợi hơn từ tăng trưởng là một trong những vấn đề ngành nông nghiệp cần giải quyết trong thời gian tới (Ảnh minh hoạ - Ảnh: Dân trí)

Theo bộ trưởng Lê Minh Hoan, một nghịch lý lâu nay là tăng trưởng nông nghiệp không song hành với thu nhập nông dân. Bởi vậy nông nghiệp cần lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu chứ không phải sản lượng.

“Một ngành hàng nào đó tăng trưởng nhưng chi phí đầu vào tăng hơn tốc độ tăng trưởng thì thu nhập của nông dân hay giá trị gia tăng không đồng hành với tăng trưởng. Đây là vấn đề mà chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phải giải quyết làm sao. Hai cái đó song hành với nhau”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết.

Theo các chuyên gia, cơ hội cho ngành nông nghiệp trong năm 2022 là rất lớn khi Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng nông sản.

“Thương mại tự do không có nghĩa là tự do hoàn toàn. Để đạt được mức thuế 0%, hàng hoá của chúng ta phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Đặc biệt là các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, các biện phát kiểm soát động thực vật, đồng thời vượt qua được các hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Tức là thuế càng giảm thì các biện pháp kiểm dịch động thực vật, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại” bà Bùi Kim Thuỷ - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam cho biết.

Bên cạnh những thành công xuất khẩu, đâu là lý do khiến tăng trưởng nông nghiệp chưa song hành với thu nhập của nông dân? Những thách thức của ngành nông nghiệp trong năm 2022? Đâu là động lực tăng trưởng mới của ngành nông nghiệp? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong chương trình Vấn đề hôm nay ngày 9/12.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm