Thị trường

Ổn định lưu thông hàng hóa, bảo đảm chống dịch trên công trường

Từ khi 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội đã xuất hiện tình trạng xe chở hàng hóa thiết yếu ách tắc kéo dài vì sự chồng lấn các quy định chống dịch tại nhiều địa phương, Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT đã trực tiếp có mặt tại hiện trường khẩn trương xử lý việc lưu thông hàng hóa...

Bình Dương: Shipper phải có phù hiệu nhận dạng, chỉ được vận chuyển hàng hóa thiết yếu / Hà Nội: Đề xuất trưng dụng sân vận động, bến xe làm điểm trung chuyển hàng hóa

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch trên các “đại công trường” các dự án giao thông trọng điểm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT kiểm tra việc phân phối thực phẩm tại quận Tân Phú. Ảnh: VGP

Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký văn bản 970/TTg-KGVX yêu cầu các Bộ trưởng thành lập “Tổ công tác đặc biệt” phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có vai trò của Bộ GTVT.

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ công việc rất quan trọng, cấp bách, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tổ công tác đặc biệt tại TPHCM do một đồng chí Thứ trưởng phụ trách trực tiếp để phối hợp chặt chẽ với TPHCM và các địa phương phía Nam, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng, chống dịch và những vấn đề liên quan.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo các hoạt động vận tải gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm tổ trưởng. Bộ trưởng cũng yêu cầu bổ sung 3 Thứ trưởng khác làm Tổ phó, kiện toàn Tổ công tác đặc biệt Bộ GTVT bảo đảm Tổ công tác hoạt động hiệu quả, liên tục và trực tiếp tại TPHCM và các tỉnh, thành phía nam.

Giải quyết ngay, lưu thông luôn

Những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tình hình giao thông khu vực phía nam liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ tại các chốt ra, vào TPHCM do lưu lượng xe tăng cao đột biến. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong ngày 16-17/7, lượng phương tiện lưu thông hướng TPHCM đi Tây Ninh tăng đến 10.000 xe, riêng xe vận tải hàng hóa lên đến 6.000 xe, trong khi những ngày thường tổng lưu lượng xe qua chỉ khoảng gần 6.000 xe.

Tình trạng ùn tắc xe chở hàng hóa còn khó khăn hơn, gây bức xúc cho doanh nghiệp vận tải khi mỗi địa phương thực hiện quy định phòng, chống dịch không thống nhất theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế, Bộ GTVT.

Đơn cử như tại TP. Cần Thơ, Thành phố đã lập đội lái xe hỗ trợ để trung chuyển trong nội đô. Doanh nghiệp nào không có lái xe vào Cần Thơ phải giao cho đội này đảm nhận. Ngoài ra, các xe từ địa phương khác muốn vào Cần Thơ phải đăng ký trước; tất cả các phương tiện đều phải tập trung tại điểm tập kết theo quy định của địa phương để trung chuyển giao nhận hàng hóa. Việc này gây ách tắc tại cửa ngõ và bức xúc cho các lái xe, doanh nghiệp; gây chậm trễ việc vận chuyển lương thực, thực phẩm cho TPHCM của một số doanh nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, từ 19/7 đến nay, Tổ công tác đặc biệt đã thường trực ở phía nam để tham gia chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp cùng các địa phương điều hành tổ chức giao thông, đảm bảo công tác vận tải hàng hóa được thông suốt giữa các tỉnh, thành phố có dịch, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác. Tình trạng xe vận tải hàng hóa ùn tắc được giải quyết, không phát sinh thêm điểm ùn tắc mới, các chốt kiểm soát đơn giản hóa việc kiểm tra nhờ ứng dụng mã QR.

Tổ công tác cũng tham gia các hoạt động, chương trình làm việc với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Y tế để chủ động xử lý, giải quyết ngay những nhiệm vụ phát sinh trong hoạt động vận tải.

Đặc biệt, Tổ công tác đã đề xuất nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn lưu thông hàng hóa như: Đề nghị TPHCM vận dụng xe taxi để chở thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tới tận các phường, xã, khu vực đang cách ly để phục vụ nhân dân và hỗ trợ vận chuyển cấp cứu y tế; chỉ đạo Bệnh viện GTVT TPHCM tổ chức tổ xét nghiệm lưu động, hỗ trợ xét nghiệm nhanh cho các lái xe vận tải, tổ chức các điểm xét nghiệm nhanh tại Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Nội..

Tổ công tác cũng liên tục kiểm tra đột xuất các chốt trực tại các cửa ngõ thành phố và hướng dẫn các địa phương tổ chức chốt kiểm soát phòng dịch bệnh đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế nguy cơ gây ùn tắc.

Với việc chưa thống nhất trong thực hiện, triển khai các quy định phòng, chống dịch tại các địa phương, Tổ công tác Bộ GTV đã đôn đốc, yêu cầu một số địa phương thu hồi, điều chỉnh những quy định phòng chống dịch chưa phù hợp, gây ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa; kiểm tra bến bãi tập kết hàng hóa và công tác chấp hành quy định phòng chống dịch của các doanh nghiệp, lái xe; giải quyết triệt để nguy cơ quá tải tại cảng Cát Lái…

Thực tế từ hiện trường, Tổ công tác thực hiện việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT nhiều văn bản chỉ đạo hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành các hướng dẫn tạm thời 5 lĩnh vực vận tải để tạo quy định chung thống nhất triển khai..

Tổ công tác đặc biệt kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh: VGP

Đôn đốc tiến độ các công trình trọng điểm

Thực hiện Nghị quyết 63 của Chính phủ và Công điện số 1082/CĐ ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và nhận thức vai trò và trách nhiệm của ngành GTVT là vô cùng quan trọng, Bộ GTVT đã ban hành Chỉ thị 06 ngày 14/6/2021 cùng nhiều văn bản để đảm bảo tiến độ, chất lượng giải ngân các dự án đầu tư xây dựng do Bộ GTVT quản lý, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Bên cạnh việc công tác vận tải, Tổ công tác còn tổ chức kiểm tra, đôn đốc tiến độ, các dự án quan trọng của ngành tại khu vực miền Nam như: Các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông, Cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, dự án sửa chữa, cải tạo đường cất hạ cánh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất…. Đồng thời, làm việc với các tỉnh, thành phố để đôn đốc công tác chuẩn bị đầu tư các dự án vành đai 3 TPHCM, cao tốc TPHCM - Chơn Thành, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài…

Các Tổ phó của Tổ công tác cũng liên tục thực hiện các buổi kiểm tra hiện trường dự án như Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra dự án Mai Sơn - QL 45, Cao Bồ - Mai Sơn; Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiểm tra, đôn đốc các dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt..

Qua kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, Tổ công tác ghi nhận công tác thi công trên công trường, nhất là khu vực phía nam gặp nhiều khó khăn do tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4. Nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kèm theo quy định phải cách ly kéo dài gây ra tình trạng thiếu lao động.

Một số dự án đã xảy ra trường hợp mắc COVID-19 như: Dự án cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Hiện các đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để tổ chức chữa bệnh, cách ly, sàng lọc, xét nghiệm,… Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khó lường đã phần nào đã ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công và tâm lý của người lao động.

Thêm vào đó, lực lượng công nhân, người lao động ở các dự án rất lớn nhưng đại đa số chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Một số địa phương yêu cầu các nhân sự tham gia thi công phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ 3 ngày/lần nhưng các điểm xét nghiệm tại địa phương còn hạn chế, chủ yếu tập trung tại trung tâm thành phố, gây khó khăn cho việc đi lại cho các kỹ sư, nhân công khi có nhu cầu xét nghiệm.

Việc vận chuyển nguyên vật liệu cho các công trình cũng gặp khó do các quy định của địa phương, xe vận chuyên vật liệu có thời điểm cho lưu thông, có thời điểm lại cấm... gây không ít khó khăn cho các đơn vị trong việc lập kế hoạch và triển khai các công việc trong thời gian phòng chống dịch. Việc mua sắm, vận chuyển vật tư, thiết bị, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến thời gian giao hàng. Công tác cung cấp vật liệu (đất, cát, đá, xi măng, sắt thép, bê tông,…), cọc đúc sẵn phục vụ thi công bị chậm do nhiều đơn vị cung ứng ngừng sản xuất hoặc cung cấp hạn chế. Công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn do việc hạn chế di chuyển và cách ly tập trung 14 ngày người đến từ vùng dịch đã ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu xây lắp.

Đặc biệt, tình trạng thiếu vật liệu xây dựng (đất đắp, cát) cho các dự án vẫn chưa được các địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai tháo gỡ.

Kiểm tra hiện trường cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo. Ảnh: VGP.

Ghi nhận và chia sẻ với các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu trong giai đoạn khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị các Ban Quản lý dự án, các nhà thầu tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả trên công trường. Xây dựng kế hoạch, kịch bản cụ thể để đảm bảo thi công trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài. Các công trường áp dụng tổ chức “3 tại chỗ” cho công nhân, sắp xếp, bố trí điều kiện sinh hoạt ổn định cho công nhân, không chủ quan, lơ là, thực hiện nghiêm quy định 5K.

“Với khó khăn về mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, hỗ trợ tổ chức thi công, các Ban Quản lý dự án chủ động làm việc với chính quyền địa phương để tháo gỡ, những vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo Bộ GTVT để giải quyết. Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Y tế và chính quyền các tỉnh ưu tiên tiêm vaccine cho cán bộ, công nhân để mọi người yên tâm làm việc”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm