Thị trường

Quảng Bình: "Triệu phú" từ nghề truyền thống

Cơ sở thu mua chế biến thủy hải sản của chị Trương Thị Nga, ở tổ dân phố Nhân Thọ, phường Quảng Thọ (TX.Ba Đồn) có doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Thương hiệu nước mắm của chị không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà còn mở rộng ra các tỉnh, thành phố khác.

Đắk Lắk: Thu nhập khá nhờ trồng nấm hữu cơ / "Cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu ngay cả trường hợp xấu nhất là cách ly 1 thành phố"

Chị Nga chia sẻ, trước đây, chị cùng chồng vay mượn người thân trong gia đình mua một chiếc xe máy về các làng biển thu mua cá, xác mắm rồi bán cho người dân. Công việc rất vất vả nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu. Trong suốt 6 năm đi buôn cá, chị luôn ấp ủ ước mơ một ngày nào đó mình sẽ có một cơ sở chế biến nước mắm truyền thống, nên vừa đi buôn, chị vừa học hỏi kinh nghiệm làm nước mắm từ nhiều làng biển khác nhau. Lúc này, với vốn kinh nghiệm đã tích luỹ được cùng với lợi thế nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, chị đã cùng chồng quyết định chọn mô hình chế biến thủy hải sản làm nghề phát triển kinh tế chính của gia đình.
Những năm đầu mới bước vào nghề, kinh nghiệm còn ít ỏi, đồng vốn lại không nhiều, nên gia đình chị chỉ thu mua và chế biến một vài tạ cá tươi/ngày để sản xuất vào mùa nắng và chủ yếu là giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình. “Để làm ra được những giọt nước mắm thơm ngon, tôi lặn lội đến các làng nghề lân cận để học hỏi, nhiều lúc vào tận Huế và ra cả Nghệ An với mong muốn học thêm được ít nhiều. Từ vốn kiến thức tích lũy được cùng với sự hỗ trợ vốn vay từ Hội LHPN, tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất lên hàng tấn cá mỗi ngày”, chị Nga tâm sự.
Trong khi nhiều nơi ngày càng cải tiến việc sản xuất nước mắm để làm sao có lợi nhuận cao nhất, thì gia đình chị vẫn duy trì công thức chế biến truyền thống. Chị Nga cho biết, để làm ra những chai nước mắm chất lượng cao không phải dễ, nguyên liệu nhập vào phải tươi và quy trình chế biến phải nghiêm ngặt, tuân thủ tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm. Cá cơm tươi vừa đưa lên bờ, được phân loại, rửa sạch, trộn đều với muối sạch rồi cho vào chum ủ với công thức 7 tấn cá/tấn muối. Trong thời gian đó, phải theo dõi sát sao, bảo đảm phơi nắng đều. Khi tiến hành đảo cá, phải làm vào thời điểm trời nắng nhất để cá nhanh chín và bảo đảm vệ sinh. Thường thì cá được muối trong vòng 7 tháng đến một năm, sau đó sẽ đến khâu cuối cùng là khâu rút nước mắm (thường được tiến hành vào ban đêm hoặc sáng sớm để bảo đảm vệ sinh và độ tinh khiết).
 Chị Trương Thị Nga luôn chọn loại cá cơm tươi để chế biến ra những lít nước mắm thơm ngon, bảo đảm chất lượng.
Chị Trương Thị Nga luôn chọn loại cá cơm tươi để chế biến ra những lít nước mắm thơm ngon, bảo đảm chất lượng.
Ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở của chị Nga còn quan tâm đầu tư cải tiến mẫu mã, nhãn mác để sản phẩm thu hút người tiêu dùng hơn, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Chị cũng đã tích cực mở rộng quan hệ hợp tác tìm kiếm khách hàng tiềm năng để thu mua nguyên liệu tươi và tiêu thụ hàng hóa sau chế biến. Nhờ đó, công việc sản xuất chế biến của gia đình chị cũng gặp nhiều thuận lợi và ngày càng phát triển. Từ cchế biến hải sản nhỏ lẻ, sau nhiều năm tích lũy, chị đã mở rộng quy mô sản xuất với công suất chế biến hàng chục tấn cá mỗi năm.
Không chỉ dừng lại ở đó, khi có nguồn nguyên liệu phù hợp, chị còn đưa vào chế biến mắm nêm, ruốc… với tổng sản lượng chế biến đạt chục tấn hải sản các loại/năm. Không chỉ chú trọng đến số lượng sản phẩm bán ra thị trường, chị Nga còn quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nước mắm, mắm ruốc Nhân Thọ. Nhờ vậy, các mặt hàng nước mắm, mắm nêm, ruốc Nhân Thọ được rất nhiều bạn hàng trong và ngoài tỉnh biết đến, ước tính mỗi năm cơ sở của chị bán ra thị trường hơn 18.000 lít nước mắm, 12 tấn mắm nêm và ruốc.
Vài năm trở lại đây, sản phẩm nước mắm, mắm nêm, ruốc Nhân Thọ còn được người Việt ở nước ngoài biết đến và đặt mua nhờ sự thơm ngon và bảo đảm an toàn thực phẩm. Năm 2019, tổng doanh thu của cơ sở sản xuất chế biến nước mắm, mắm nêm, ruốc Nhân Thọ đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận thu về gần 500 triệu đồng. Cơ sở chế biến hải sản của gia đình chị đã tạo việc làm cho hơn 15 lao động nữ với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi vùng biển. “Năm nay, tôi sẽ xây dựng nhà xưởng, mua sắm nhiều trang thiết bị để mở rộng quy mô sản xuất với mong muốn tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn”, chị Nga bày tỏ.
Không chỉ chăm lo làm kinh tế gia đình, chị còn tạo điều kiện, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều chị em phụ nữ có nhu cầu học hỏi, tham quan cơ sở chế biến của mình. Bên cạnh đó, chị còn vận động nhiều chị em mở các mô hình chế biến hải sản nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho các chị không có việc làm trên địa bàn.
Song song với việc phát triển kinh tế, vợ chồng chị cũng luôn quan tâm xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt. Các con chị đều chăm ngoan học giỏi. Công việc tuy bận rộn nhưng chị Nga vẫn nhiệt tình tham gia đầy đủ các hoạt động của địa phương, sống chan hòa, tình cảm và được bà con lối xóm yêu mến.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm