Thị trường

Quảng Ngãi: Trồng nấm đổi thay 'làng lò gạch'

Trồng nấm hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao, rất có tiềm năng phát triển nhằm giải quyết bài toán nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Theo đó, mô hình trồng nấm của HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho bà con ở làng nghề gạch ngói thủ công phát huy hiệu quả.

Long An: Từ bỏ công nhân, về quê làm đồng ruộng thu hàng trăm triệu mỗi năm / Hơn 38.000 tấn gạo nếp được xuất khẩu trong hạn ngạch tháng 4

Hiện nay, nguồn nguyên liệu trồng nấm rất dồi dào, bao gồm rơm, mùn cưa, gỗ, bông phế loại, bã mía… Người dân không cần phải tốn tiền, công sức xử lý cũng như sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bỏ cũ, lập mới

Khoảng thời gian về trước, nhìn về phía bờ nam bên cầu sông Vệ có thể thấy nhiều lò gạch nung thủ công phun lên những cột khói xám xịt, nồng nặc mùi than đá gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc cho dân sinh sống trong khu vực. Do là nguồn mưu sinh của hàng trăm hộ gia đình ở gần sông Vệ thuộc 2 xã Đức Chánh và Đức Nhuận nên những lò gạch này vẫn cứ dai dẳng tồn tại trong nhiều thập kỷ qua.

Người dân Mộ Đức phấn khởi vì mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: TL)

Người dân Mộ Đức phấn khởi vì mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: TL)

Khi UBND tỉnh triển khai Chương trình phát triển vật liệu xây không nung và lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, huyện Mộ Đức xác định đây là thời điểm thuận lợi để xóa bỏ các lò sản xuất gạch thủ công tại phía bờ nam sông Vệ.

Theo đó, nhiều hộ dân làm gạch ở địa phương đã đăng ký ngay sau khi nghe thông tin về cơ hội chuyển đồi nghề nghiệp, bắt đầu ấp ủ ước mơ thoát nghèo bằng cây nấm. Và làng nấm nhanh chóng được hình thành thay thế cho những lò gạch ngày đêm nhả khói.

Theo người dân nơi đây, việc chuyển từ nghề làm gạch thủ công sang nghề làm nấm là rất thích hợp. Nhiều lán trại, lò gạch thủ công bên bờ sông Vệ được tháo dỡ để cho dự án trồng nấm mọc lên.

Ông Lê Giang Phong – Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận cho biết: “So với làm công nhân tại các lò gạch thủ công thì trồng nấm đạt hiệu quả kinh tế hơn hẳn. Chỉ tính riêng 50m2 nấm linh chi, nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì hằng năm có thể thu khoảng 40 triệu đồng. Nhưng vì nấm linh chi phải 3 tháng mới cho thu hoạch, nên dự án mới đưa vào trồng thêm 50m2 nấm sò để lấy ngắn nuôi dài, giúp người dân nâng cao thu nhập".

 

Từ bỏ nghề làm gạch thủ công, nhờ được anh Phong hướng dẫn kỹ thuật tận tình, gia đình ông Phạm Hùng (Đức Nhuận) cùng hàng chục hộ dân ở các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức, Nghĩa Hành có thu nhập khá nhờ nghề trồng nấm. "Tranh thủ thời gian nông nhàn, vợ chồng tôi làm thêm trang trại nấm bào ngư, trung bình mỗi tháng bán được khoảng 400kg với giá bán 20.000 đồng/kg, góp phần cải thiện thu nhập đáng kể cho gia đình", ông Hùng phấn khởi.

Ổn định cuộc sống

Anh Lê Giang Phong là người nông dân đầu tiên của Quảng Ngãi trồng thành công nấm linh chi. Không chỉ trồng nấm chữa bệnh thiếu máu cơ tim và gan nhiễm mỡ cho mình, anh Phong đã cùng nhiều nông dân khác thành lập HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận. Đây là mô hình trồng nấm đầu tiên ở Quảng Ngãi.

HTX đã không ngừng mở rộng diện tích, tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương.

Anh Lê Giang Phong – Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận đang kiểm tra nguyên liệu chuẩn bị cho vụ mới (Ảnh: TL)

Anh Lê Giang Phong – Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh nấm Đức Nhuận đang kiểm tra nguyên liệu chuẩn bị cho vụ mới (Ảnh: TL)

 

Bên cạnh đó, mô hình trồng nấm của HTX được Sở KH&CN Quảng Ngãi đã tài trợ dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu với lô thiết bị trị giá 1,1 tỷ đồng. Dây chuyền thiết bị sản xuất nấm có đầy đủ hệ thống trộn bột cưa, lò hơi hấp, sấy nấm, tủ bảo ôn bảo quản giống... có thể đạt năng suất thiết kế 5 tấn nguyên liệu để sản xuất 5.000 phôi nấm mỗi ngày.

Trung bình mỗi năm, HTX bán 60 tấn nấm bào ngư, 3 tấn nấm linh chi ra thị trường các tỉnh miền Trung, đạt doanh thu hơn 3,3 tỷ đồng.

Hiện, thương hiệu Linh chi Giang Phong của HTX đạt chuẩn “3 không”: không dùng hóa chất, không dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng các loại chất kích thích.

Không chỉ làm giàu cho riêng mình, nhiều năm qua, anh Lê Giang Phong còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật giúp hàng chục hộ dân địa phương tận dụng thời gian nông nhàn trồng nấm bào ngư, linh chi mang lại thu nhập cao cho gia đình. HTX còn đứng ra giúp bà con bao tiêu sản phẩm nấm với giá cả ổn định.

 

Trong trại nấm rộng 100m2 của ông Trần Tòng (Đức Nhuận) có khoảng 25.000 bầu giống nấm sò. Sau 20 ngày bắt đầu thu hoạch đã thu được hơn 1 tạ nấm tươi và đều được HTX nhận bao tiêu sản phẩm với giá 20.000 đồng/kg.

“Làm ở lò gạch cực khổ lắm. Nhưng vì mưu sinh nên phải làm. Nắng nóng, nặng nhọc, mà thu nhập chưa đến 100 nghìn/ngày. Trong khi trồng nấm, vừa mát mẻ, không tốn nhiều sức mà thu nhập lại khá”, ông Tòng chia sẻ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm