Quảng Ninh: HTX liên kết sản xuất an toàn tạo điểm tựa cho nông dân
Ninh Bình: HTX sản xuất an toàn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm / Cao Bằng: Sản xuất sạch, gặt thành công ở HTX Tân Việt Á
Hiệu quả liên kết
Quảng Thành đang là xã điểm của huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh) trong phong trào liên kết phát triển nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa, mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, an toàn lao động (ATLĐ) cho hàng trăm hộ nông dân địa phương.
Số liệu thống kê của UBND xã Quảng Thành cho thấy toàn xã hiện có 6 THT, thu hút hơn 200 thành viên, người lao động tham gia. Mỗi THT đều cho thấy vai trò quan trọng, dẫn dắt thành viên phát triển với các loại cây trồng đặc trưng như chè, cam, mía đường, chanh đào, lúa thảo dược..
Có thể kể đến điển hình là THTChè VietGAP Quảng Thành được thành lập từ năm 2017, với tổng số 13 thành viên là các hộ nông dân sản xuất chè trong xã.
Đại diện UBND xã Quảng Thành cho biết nhận thấy rõ tiềm năng kinh tế của cây chè, năm 2017, xã vận động các hộ thành lập THTChè VietGAP Quảng Thành, nhằm tạo sự liên kết giữa các hộ trồng chè trong xã.
Sau khi thành lập THT, xã đã tổ chức ký hợp đồng với Cơ sở chế biến chè Dũng Nga (xã Quảng Long, huyện Hải Hà) để thu mua sản phẩm chè sau thu hoạch cho người dân với giá cả phù hợp, đồng thời cam kết với đơn vị thu mua đảm bảo 100% thành viên trong THT trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình VietGAP.
Sở hữu hơn 3 ha chè VietGAP, ông Dương Hữu Trung – thành viên THT, chia sẻ: “Hiện trung bình 1 năm, gia đình tôi thu hoạch khoảng 40 tấn chè nguyên liệu, thu nhập trên 300 triệu đồng. Với sự hỗ trợ của THT, chúng tôi phát triển sản xuất theo hướng an toàn, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo ATLĐ”.
Tương tự, tại xã Bình Dương (huyện Đông Triều), HTX Nông nghiệp Bình Dương được địa phương giao đảm nhận việc triển khai ký kết hợp đồng với doanh nghiệp để trồng, phát triển cây khoai tây Atlantic.
Để nâng cao hiệu quả cho thành viên, hộ liên kết, HTX đã ký hợp đồng với doanh nghiệp để hỗ trợ cây giống, thuốc vi sinh chống bệnh nấm mốc, kỹ thuật sản xuất an toàn cho người dân. Đến thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp đảm bảo thu mua theo cơ chế giá cung ứng giống (1kg giống trả bằng 3kg thương phẩm) đảm bảo thu mua với giá 6.500 đồng/kg.
Sản xuất an toàn mang lại hiệu quả bền vững
Nâng cao vai trò
Phong trào liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi gắn với ATLĐ đang lan tỏa nhanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Chỉ tính riêng trong năm 2018, tỉnh đã thành lập mới 18 HTX, 16 THT; 8 CLB ngành nghề; 4 tổ liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh việc tìm đầu ra ổn định cho nông dân, để đáp ứng yêu cầu thị trường, hằng năm, các cấp ban, ngành của tỉnh còn quan tâm hỗ trợ nông dân tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức về sản xuất an toàn, ATLĐ, giúp người dân phát triển sản xuất ngày càng bền vững hơn.
Đơn cử, kể từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm, tỉnh tổ chức từ 35 – 50 khóa tập huấn kỹ thuật, kỹ năng sử dụng máy móc, ứng dụng khoa học – công nghệ; phát hàng nghìn tài liệu về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm cho nông dân. Các lớp tập huấn kỹ thuật, ATLĐ cũng được các địa phương trong tỉnh tổ chức định kỳ, cho thấy hiệu quả thiết thực.
Ông Đàm Minh Sơn, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh), cho biết để tạo sự liên kết phát triển sản xuất, tỉnh đã đẩy mạnh tư vấn, hướng dẫn người dân tham gia vào các mô hình liên kết phù hợp. Trong đó, ưu tiên các hộ tham gia vào HTX, THT, câu lạc bộ để liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thu nhập ổn định.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu cho sản phẩm OCOP ở trong và ngoài tỉnh; tập trung tuyên truyền, tư vấn hướng dẫn người dân tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi thông qua 3 kênh vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Các HTX trên địa bàn tỉnh đang làm tốt công tác liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn