Thị trường

Sơn La: Phát triển HTX góp phần xóa đói giảm nghèo

Sơn La là tỉnh miền núi, điều kiện sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Để xóa đói, giảm nghèo, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, 4 năm trở lại đây, tỉnh Sơn La chú trọng phát triển các mô hình HTX kiểu mới. Hiện toàn tỉnh có hơn 430 HTX. Các HTX nông nghiệp dần trở thành địa chỉ tin cậy của nông dân trong mở rộng những mặt hàng nông sản mới.

Đà Nẵng: Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển HTX / Bài toán sở hữu trí tuệ với HTX nông nghiệp

Những năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các mô hình HTX kiểu mới ở tỉnh miền núi Sơn La đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Thời gian gần đây, mỗi năm toàn tỉnh Sơn La thành lập mới từ 60 - 80 HTX . .

HTX tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, khi chưa có HTX Nông nghiệp sinh thái Nà Sản, hơn 10 hộ dân nông nghiệp ở đây chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát với năng suất, sản lượng thấp, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, còn đầu ra lại rất bấp bênh, bị thương lái ép giá.

HTX nông nghiệp Nà Sản được thành lập vào tháng 4/2018, hiện có 11 thành viên, với hơn 15ha đất nông nghiệp trồng các loại cây ăn quả như: Cam đường Canh, nhãn ghép, thanh long ruột đỏ, dâu tây và bưởi Diễn... Trong đó, cam là cây trồng chủ lực, tạo nên thương hiệu mạnh của xã Hát Lót.

Ngay khi đi vào hoạt động, HTX đã khoanh vùng, trồng tập trung từng loại cây trên một diện tích nhất định để chăm sóc hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng công nghệ tưới phun cục bộ, phòng trừ sâu bệnh bằng vi sinh vật, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để nuôi trùn quế tạo nguồn phân hữu cơ... HTX còn kết hợp làm du lịch, thu hút được nhiều du khách và nhất là học sinh đến trải nghiệm, làm giàu thêm kiến thức sống.

HTX nấm Thảo Nguyên (địa chỉ Mường Sang, Mộc Châu, Sơn La) có trụ sở chính nằm trong thung lũng rộng 5ha đã được xây dựng giữa 3 quả đồi với những ngôi nhà trồng nấm, nuôi cấy đông trùng hạ thảo trên giá thể sâu chít, sạch sẽ, vô trùng, khang trang trông như những phòng thí nghiệm của cơ sở khởi nghiệp về công nghệ sinh học.

HTX nấm Thảo Nguyên tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương

HTX nấm Thảo Nguyên tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương

Anh Nguyễn Thanh Hải – lãnh đạo HTX nấm Thảo Nguyên cho biết: Hầu như những công cụ, máy móc xử lý nguyên liệu, chuẩn bị giá thể và tưới nấm tự động đều do anh tự nghiên cứu chế tạo cho phù hợp với quy trình sản xuất với giá thành thấp. Không dừng ở sản phẩm tươi, HTX đã chế biến nấm thành những món ăn như nem, xào, nộm... hoặc được tẩm ướp thích hợp với khẩu vị của thực khách trong các bữa ăn hàng ngày. Không dừng ở nuôi nấm sò, HTX Thảo Nguyên đã mở rộng sang cả trồng nấm linh chi trên giá thể gỗ nguyên khối và nuôi đông trùng hạ thảo trên nền sâu chít... HTX tạo việc làm cho hàng trăm lao động chủ yếu là các chị em phụ nữ.

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm HTX đã góp phần quan trọng vào nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của thành viên, người nông dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và góp phần tích cực cho xây dựng NTM của tỉnh Sơn La.

Điểm tựa cho các HTX phát triển

Trong 3 năm từ 2016 đến hết 2018, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ 6 tỷ đồng cho 94 HTX thành lập mới; 19,5 tỷ đồng cho 79.000 hộ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm cho 17 nông sản địa phương; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản tại các gian hàng hội chợ trong và ngoài tỉnh…

 

Chủ trương phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có gần 200 HTX cây ăn quả, tăng hơn 650% so với số HTX năm 2015. Năm 2018, toàn tỉnh đã xuất khẩu hơn 17.500 tấn quả các loại sang thị trường các nước: Pháp, Úc, Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Phát triển cây ăn quả đã tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, giải quyết việc làm, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh giai đoạn 2016-2018 tăng 9,17 triệu đồng so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,42%.

Sơn La đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về vùng trồng cây ăn quả lớn, số lượng HTX trồng cây ăn quả nhiều.

Sơn La đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về vùng trồng cây ăn quả lớn, số lượng HTX trồng cây ăn quả nhiều.

Liên minh HTX tỉnh Sơn La đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp đánh giá hoạt động của các HTX để củng cố, kiện toàn lại các HTX hiện có. Trọng tâm là hướng vào các hoạt động dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, phát triển sản xuất hàng hóa gắn với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương như sản xuất chè, hoa, rau, củ quả chất lượng cao, các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, mây tre đan... Cùng với đó, Liên minh HTX cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La có chính sách hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho HTX đưa giống mới, công nghệ sinh học, bảo quản, chế biến nông sản và thực hiện nhiều hình thức xúc tiến thương mại như: tham gia các hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…

 

Có thể thấy, với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền các cấp và sự năng động, sáng tạo của người sản xuất, các mô hình HTX ở Sơn La đã và đang trở thành nhân tố quan trọng trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm, cải thiện, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia HTX và người lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm