Sửa Nghị định 65, gỡ khó cho thị trường trái phiếu
Hợp tác thương mại Việt Nam - Liên bang Nga còn rất nhiều tiềm năng / Thách thức cạnh tranh với cà phê Việt
Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ chothị trường trái phiếu, trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 65, Bộ Tài chính đề xuất một loạt sửa đổi như lùi 1 năm thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xếp hạng tín nhiệm với nhà phát hành, kéo dài kỳ hạn trái phiếu...
Đề xuất lùi 1 năm thực hiện quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; hoãn 1 năm yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; hay quy định cho kéo dài kỳ hạn trái phiếu, theo một số chuyên gia, những đề xuất sửa đổi này phù hợp trong với bối cảnh thị trường, đặc biệt có hơn 60% là nhà đầu tư cá nhân.
"Nó tích cực trong vấn đề về hành lang pháp lý lẫn tích cực trong bối cảnh thị trường mà doanh nghiệp đang khó khăn trong phát hành trái phiếu riêng lẻ. Tôi thấy những điểm tích cực khác, ví dụ như chúng ta nới rộng tài sản đảm bảo cho người mua trái phiếu và đặc biệt là doanh nghiệp được đáo hạn bằng nhiều hình thức tài sản khác nhau", ông Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đánh giá.
Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 65, Bộ Tài chính đề xuất một loạt giải pháp hỗ trợ cho thị trường trái phiếu. (Ảnh minh họa - Ảnh: VGP)
Liên tiếp làm việc với các nhà phát hành, đại diện SaigonRatings cho rằng quy định kéo dài kỳ hạn trái phiếu rất cần thiết. Vấn đề là doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đàm phán với trái chủ nhằm đưa ra kế hoạch trả nợ để giữ niềm tin.
"Các doanh nghiệp một mặt cũng được cái chính sách đó, nhưng cũng hết sức khẩn trương đàm phán, làm việc với các khách hàng để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các khách hàng, đồng thời tạo nên một sự đồng thuận chung", ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT SaigonRatings, cho biết.
Các chuyên gia cũng dự báo với các sửa đổi này, trong năm 2023 thị trường sẽ giảm thêm áp lực đáo hạn trái phiếu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần phải làm thế nào để thích nghi với những triển khai mới trong Nghị định 65.
"Hành lang pháp lý của Nghị định 65 tương đối chặt chẽ, phù hợp với sự phát triển, nhưng thách thức của doanh nghiệp là chậm hay giãn trong tương lai một số điều kiện, liệu họ có thích ứng tiếp với năm 2024 hay buộc phải siết thêm những điều kiện đã đặt ra trong Nghị định 65", ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Ngoài ra, dù Bộ Tài chính đề xuất hoãn yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm trong vòng 1 năm, nhưng đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp phát hành vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ đầu năm sau.
Do đó, việc các doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị cho xếp hạng tín nhiệm là cần thiết để hướng tới sự minh bạch thông tin, tạo sự công bằng cho các chủ thể tham gia vào thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo