Sửa nghị định kinh doanh xăng dầu: Đề xuất cửa hàng bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn
DNVN - Trong dự thảo mới nhất Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất cửa hàng bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, thay vì chỉ từ 1 nguồn như hiện tại.
Đà Nẵng: Chỉ số giá tiêu dùng tháng đầu năm 2023 tăng nhẹ / Tháng 1/2023: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 46,56 tỷ USD
Được lấy hàng từ nhiều nguồn
Bộ Công Thương vừa có tờ trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 và Nghị định 83/2013/NĐ-CP ngày 3/9/2024 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Trong đó có nhiều nội dung đã có sự thay đổi so với dự thảo tờ trình trước đây.
Cụ thể, về nội dung cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án sửa đổi và phân tích ưu/nhược điểm.
Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành về quyền của đại lý bán lẻ xăng dầu. Phương án này có ưu điểm phù hợp với quy định Luật Thương mại, giúp kiểm soát được chất lượng, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng. Khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, có đơn vị chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho đại lý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý.
Trong tờ trình Chính phủ mới nhất, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án liên quan đến quy định cho phép đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Tuy nhiên, nhược điểm là trong cùng một thời điểm, đại lý không được lựa chọn nhiều nguồn cung xăng dầu (các đại lý có thể lựa chọn đơn vị cung cấp xăng dầu khác khi đã thanh lý hợp đồng với đơn vị cung cấp cũ).
Phương án 2: Sửa đổi quy định về quyền của đại lý kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn (và có thể giới hạn từ 2 - 3 nguồn). Ưu điểm của phương án này là đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng.
Nhược điểm là quy định không phù hợp với Luật Thương mại, khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng. Khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý.
Do đó, Bộ Công Thương nghiêng về phương án đại lý chỉ được lấy hàng từ 1 nguồn. Điều này phù hợp với Luật Thương mại và quyền và nghĩa vụ của đại lý. Theo đó, đại lý là đơn vị bán hàng cho bên giao đại lý theo giá do bên giao đại lý quyết định và hưởng hoa hồng. Nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, đại lý không có quyền quyết định giá bán và không biết bán theo giá của đơn vị nào.
Với thương nhân phân phối xăng dầu, Bộ Công Thương nghiêng về quy định thương nhân phân phối chỉ được mua hàng từ tối đa 3 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu. Lý do là nhằm kiểm soát tốt hơn số lượng đơn vị cấp hàng cho hệ thống của thương nhân phân phối nhưng vẫn bảo đảm sự linh hoạt cho thương nhân phân phối, nhất là những thương nhân phân phối có địa bàn kinh doanh rộng khắp trên cả nước có thể lựa chọn lấy hàng của 3 đơn vị đầu mối tịa 3 miền đất nước.
Điều chỉnh giá theo tuần
Thời gian điều hành giá xăng dầu được áp dụng vào ngày thứ 5 hàng tuần thay vì 10 ngày 1 lần như hiện tại. Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương - Tài chính có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết: Theo quy định tại Nghị định 95, kỳ điều hành giá xăng dầu sẽ vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng - tức là 10 ngày điều hành một lần. Trường hợp giá xăng dầu có diễn biến bất thường ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội và người dân, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng quyết định thời điểm điều hành giá cho phù hợp. Như vậy, quy định hiện hành đã cho phép linh hoạt về kỳ điều hành giá xăng dầu.
Theo quan điểm của Bộ Công Thương và Tài chính, chu kỳ điều hành giá 10 ngày hiện vẫn cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian qua. Tuy nhiên, trên cơ sở ý kiến của một số đơn vị và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Tổ biên tập lựa chọn phương án giảm thời gian điều chỉnh, công bố giá từ 10 ngày xuống còn 7 ngày và quy định vào thứ 5 hàng tuần.
Phương án này được lựa chọn nhằm bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh những việc giá có biến động lớn trong những dịp nghỉ lễ, ảnh hưởng đến quyền lời của người tiêu dùng hoặc DN kinh doanh xăng dầu.
Về quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương nghiêng về phương án để các doanh nghiệp tự quyết định và điều chỉnh linh hoạt nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích trong từng giai đoạn, phù hợp với nguồn cung xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, có sự chia sẻ khó khăn giữa các đại lý với các đơn vị cung cấp xăng dầu. Trường hợp nhằm bảo đảm lợi ích của các cửa hàng bán lẻ, khi ký kết hợp đồng đại lý (nhượng quyền thương mại), các đại lý cần đưa ra điều khoản về mức chiết khấu tối thiểu với đơn vị cấp hàng...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo