Thị trường

Tận dụng cơ hội gia tăng xuất khẩu

Theo đánh giá chung, năm 2019, tình hình xuất khẩu nhóm hàng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn, mục tiêu 10 tỷ USD khó đạt được. Tuy nhiên, toàn ngành vẫn nỗ lực tận dụng nhiều tín hiệu khả quan từ thị trường để gia tăng xuất khẩu tháng cuối năm.

Vượt chỉ tiêu xuất khẩu lao động sau 11 tháng / Nhiều bất lợi làm xuất khẩu thủy sản sụt giảm

Vấp hàng loạt rào cản

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kim ngạch xuất khẩu thủy 10 tháng đạt 7,1 tỷ USD, giảm 2,4% so cùng kỳ năm 2018; trong khi, kim ngạch nhập khẩu 10 tháng ước 1,45 tỷ USD, tăng 3,1%.Xuất khẩu tôm 10 tháng đạt 2,78 tỷ USD, giảm 6,4%; trong đó kim ngạch TTCT giảm 4,8% và tôm sú giảm 15%.Xuất khẩu cá tra là 1,66 tỷ USD, giảm gần 9%. Theo dự báo, xuất khẩu tháng cuối năm có thể tương đương hoặc giảm nhẹ so cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu thủy sản năm 2019 khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD, nhiều khả năng giảm 1,2% so năm 2018.

Nguyên nhân là do năm 2019 xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như: xung đột thương mại, giá cả tăng cao, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng xuất khẩu. Bên cạnh đó, công nghệ NTTS của các nước phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa. Ngoài ra, ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp cũng tác động không nhỏ đến giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cả năm. Dự báo xuất khẩu tôm năm 2019 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3%.


Xuất khẩu thủy sản Việt Nam khó đạt mục tiêu - Ảnh: ST

Cơ hội lớn của tôm

Hiện nay, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta như tôm, cá tra, cá ngừ… tại một số thị trường vẫn ghi nhận sự tăng trưởng và có nhiều tín hiệu khả quan.

Điển hình như mặt hàng tôm, theo ghi nhận của VASEP, tính tới 15/10, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 510,5 triệu USD, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2018. Phân tích về triển vọng của mặt hàng tôm Việt tại thị trường này cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu tôm thứ hai sau EU, chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt; nhu cầu nhập tôm của Mỹ từ Việt Nam tăng cao từ tháng 5 đến tháng 8 do tồn kho giảm, trong khi Mỹ cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Mỹ là thị trường nhập khẩu TTCT lớn nhất Việt Nam; về cơ cấu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ, TTCT chiếm tỷ trọng lớn 83,3%, tôm sú chỉ chiếm 12,6%. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu TTCT sống/tươi/đông lạnh sang Mỹ tăng 42% so cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng là điểm sáng về nhập khẩu sản phẩm tôm từ Việt Nam; nhất là trong tình hình Dịch tả lợn châu Phi đang tác động rất lớn đến ngành thực phẩm nước này. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong quý III/2019, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng thịt, sữa và thủy sản của Trung Quốc đã đạt 10,11 tỷ USD, tăng tới 42% so cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng nói trên vào Trung Quốc vượt mốc 10 tỷ USD chỉ trong 1 quý, trong đó, giá trị nhập khẩu thủy sản là 3,86 tỷ USD, tăng 28%. Đại diện VASEP cho biết, xuất khẩu tôm và cá tra sang Trung Quốc đang có xu hướng hồi phục mạnh, nhờ nhu cầu ở Trung Quốc tăng trong những tháng cuối năm và các doanh nghiệp đã đáp ứng được những yêu cầu mới của thị trường này. Theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã đạt trên 976 triệu USD, tăng 14,48% so cùng kỳ 2018.

 

Sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc càng có ý nghĩa trong bối cảnh một số thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Hàn Quốc… bị giảm. Nhờ vậy, giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước tuy vẫn giảm, nhưng mức giảm đến hết tháng 10 chỉ còn khá nhẹ (khoảng 1,5%).

Cá tra, hải sản vẫn sáng

Với mặt hàng cá tra, kim ngạch xuất khẩu sang Malaysia đã tăng trưởng ở mức 2 con số; cùng với động thái công nhận tương đương hệ thống kiểm soát ATTP đối với mặt hàng cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cá tra Việt đã “rộng đường” vào thị trường đầy tiềm năng này. Ghi nhận, 10 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Malaysia trong 10 tháng đạt 34,18 triệu USD, tăng 23,6%, gần 30 doanh nghiệp cá tra tăng cường xuất sang Malaysia với các mặt hàng fillet đông lạnh, steaks đông lạnh, bong bóng sấy... với giá trung bình 1,5 - 7,5 USD/ kg.

Đầu năm nay, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Malaysia tăng rất tích cực, có lẽ mức tăng trưởng được đánh giá khả quan nhất trong khu vực. Là thị trường tiềm năng mới nổi tại khu vực, các doanh nghiệp đánh giá đây là thị trường nhập khẩu có nhu cầu tốt, ổn định. Trong suốt 10 tháng đầu năm nay, duy nhất trong tháng 6 và 8/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Malaysia giảm so cùng kỳ năm trước; các tháng còn lại đều đạt mức tăng trưởng dương khả quan từ một đến hai con số.

Cũng là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, sản phẩm cá ngừ Việt Nam sang Mexico có nhiều khởi sắc những tháng cuối năm. Tính đến hết tháng 9/2019, giá trị xuất khẩu sang thị trường này tăng 55% so cùng kỳ năm 2018, đạt gần 12 triệu USD. Cùng đó, Việt Nam và Mexico đều đang tham gia vào CPTPP, mức thuế áp các sản phẩm loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sẽ giảm xuống còn 13%, năm 2020 sẽ giảm xuống còn 6,6% và từ ngày 1/1/2021 thuế suất sẽ về 0%. Cũng chính vì thế, các sản phẩm loin cá ngừ đông lạnh tại Việt Nam có lợi thế hơn so các nước khác như Indonesia, Trung Quốc hay Philippines, đang bị áp thuế 15%. Việt Nam hiện vẫn là nguồn cung lớn nhất loin cá ngừ đông lạnh cho thị trường này.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm