Xuất khẩu 11 tháng năm 2019: Doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng
DNVN - Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI...
Sẽ là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu / Xuất khẩu cá ngừ: Kim ngạch giảm, thị trường tăng
Thông tin này đã được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 12/12 khi đánh giá về tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2019.
Đánh giá về tình hình hoạt động ngành công nghiệp tháng 11 và 11 tháng năm 2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) duy trì được đà tăng trưởng, với mức tăng khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 11 ước tính giảm 1,6% so với tháng trước, chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng có tốc độ tăng IIP thấp nhất kể từ đầu năm 2019 do sụt giảm của ngành khai khoáng.
Ảnh minh họa.
Tính chung 11 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10% của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,9% (cùng kỳ năm trước giảm 1,9%); ngành chế biến, chế tạo tăng khá 10,6% (cùng kỳ năm trước tăng 12,1%), ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%.
Về hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, mặc dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2019 song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã hoàn thành 91,8% so với mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt 232,31 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018.
"Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, các nước nhập khẩu ngày càng siết chặt hàng rào phi thuế quan, bảo hộ trong nước gia tăng … thì việc Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và xuất siêu kỷ lục cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và khai thác, tận dụng tốt các cơ hội mang lại nhằm thúc đẩy xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đưa mức tăng trưởng tăng 7 – 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Quy mô xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết tháng 11 năm 2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).
"Đáng chú ý, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%)", ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, tất cả các nhóm thị trường mà ta có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy ta đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, những kết quả trên thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Giá heo hơi ngày 5/11/2024: Dao động trong khoảng từ 58.000 đến 64.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 5/11/2024: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu giữ giá
Cột tin quảng cáo