Thị trường

Tăng trưởng kinh tế ASEAN dự kiến giảm sâu và vai trò điều phối của Việt Nam

DNVN - Tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN có khả năng sẽ bị chững lại, giảm khoảng 3,7% so với mức tăng trưởng dự kiến là 4,7% và chỉ đạt mức tăng trưởng 1% trong năm 2020 và có thể còn kém hơn, một số nước trong ASEAN thậm chí có thể gánh chịu mức tăng trưởng âm do chịu tác động nặng nề của Covid-19.

4 sáng kiến giúp Việt Nam dẫn dắt ASEAN phát triển bền vững / Sẽ không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN

Tính đến ngày 31/5/2020, khu vực ASEAN đã ghi nhận hơn 84.000 ca nhiễm và hơn 2.600 ca tử vong trong toàn khối ASEAN vì đại dịch Covid-19.
Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đánh giá, sự bùng nổ bất ngờ của đại dịch Covid-19 không chỉ là sự khủng hoảng về y tế và sức khỏe cho nhân dân toàn cầu, mà còn gây ra những hệ lụy hết sức nặng nề và đặt ra nhiều thách thức to lớn đối với các nền kinh tế, cũng như nhiều chuỗi cung ứng đã được thiết lập trong ASEAN cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Một trong những hệ lụy đó có lẽ phải kể đến sự đóng băng của các ngành kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, hàng không và khách sạn, bởi đây là những ngành bị ảnh hưởng tức thời và trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 khi các nước đồng loạt thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa đi lại trong nước v.v..

Không dừng lại ở đó, các chuỗi cung ứng và sản xuất đã, đang và sẽ bị gián đoạn do sức ảnh hưởng lớn của đại dịch. Đặc biệt, thương mại thế giới cũng bị tác động tiêu cực do sự gián đoạn của các nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc - một nước có đóng góp tới 12% thương mại toàn cầu trong chuỗi giá trị, và do đó, gây ra tác động làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, tăng giá các hàng hóa cuối cùng trong chuỗi giá trị. Các chuỗi cung ứng, dịch vụ, sản xuất toàn xã hội bị gián đoạn đi kèm với sự suy thoái kinh tế, tài chính đương nhiên sẽ dẫn đến hệ lụy suy giảm cung - cầu của lao động toàn cầu, suy giảm việc làm và phúc lợi xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực, vốn đã bất ổn nay càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Khi quá trình sản xuất và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn gây ra sự gia tăng chi phí kinh tế sẽ có những tác động tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư, làm suy giảm luồng đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng trong dài hạn cũng như tâm lý bất ổn trong nhân dân.
Theo số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng của ASEAN trước đại dịch được dự kiến sẽ đạt 4,7% trong năm 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm trì trệ chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến du lịch, đầu tư, việc làm và chi tiêu của các hộ gia đình trong khu vực. Do đó, tăng trưởng kinh tế trong khu vực ASEAN có khả năng sẽ bị chững lại, giảm khoảng 3,7% so với mức tăng trưởng dự kiến và chỉ đạt mức tăng trưởng 01% trong năm 2020 và có thể còn kém hơn, một số nước trong ASEAN thậm chí có thể gánh chịu mức tăng trưởng âm.
Vai trò điều phối của Việt Nam
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam đã cùng các nước ASEAN triển khai nhiều biện pháp và kế hoạch hành động nhằm chủ động ngăn chặn và ứng phó với đại dịch. Chúng ta đã thể hiện khả năng ứng phó kịp thời, nhanh chóng và hiệu quả, kết nối được nỗ lực của các nước ASEAN trong quá trình phối hợp chính sách của tất cả các quốc gia thành viên nội khối ASEAN. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nước ASEAN đã kích hoạt các kênh giao tiếp trực tuyến nhằm đảm bảo liên lạc, kết nối liên tục và phối hợp với các đối tác ngoại khối để trao đổi thông tin cần thiết nhằm ứng phó nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả với đại dịch Covid -19.
Thứ hai, Việt Nam đã và đang cùng các nước ASEAN tích cực chia sẻ các thông tin y tế có liên quan đến cơ chế phòng dịch hiệu quả, đặc biệt là việc xây dựng mạng lưới chuyên gia y tế công cộng trong nội bộ ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối nhằm trao đổi thông tin; chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát và điều trị các ca bệnh; ngăn chặn các tin tức giả mạo, sai lệnh; tăng cường hợp tác nhằm duy trì chuỗi cung ứng khu vực; thành lập mạng lưới trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN...
Thứ ba, với tinh thần hợp tác quốc tế hữu nghị và gắn kết, Việt Nam không chỉ tích cực, chủ động trong việc chia sẻ kinh nghiệm phòng dịch hiệu quả mà còn có những hành động tốt đẹp trong việc hỗ trợ các nước láng giềng đặc biệt là các thành viên ASEAN như Lào, Cam-pu-chia, My-an-ma … về thiết bị y tế và đồ bảo hộ nhằm chia sẻ khó khăn với các nước.
Thứ tư, với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 cùng với việc nước ta là một trong những quốc gia có thành tích trong việc phòng dịch đã được cộng đồng quốc tế công nhận (với 327 ca nhiễm, không có ca tử vong và 279 ca hồi phục - chiếm gần 85% bệnh nhân hồi phục - tính đến ngày 31/5/2020),Việt Nam đã đề xuất việc thành lập Quỹ ASEAN về phòng chống dịch Covid-19, kho dự trữ vật tư y tế của khu vực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung về các vật tư y tế, Nhóm Công tác về phòng chống tin giả..
Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại đa biên, Việt Nam, với tư cách là thành viên, là chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đã tích cực, chủ động và nỗ lực hết sức mình trong việc phòng chống dịch bệnh cũng như chia sẻ, giúp đỡ các nước trong cuộc chiến cam go với đại dịch Covid-19. Điều này thể hiện trách nhiệm cao cùng tinh thần hợp tác, hữu nghị đoàn kết của Việt Nam, nâng cao vị thế của ta trong khu vực ASEAN và trên trường quốc tế, đặc biệt là quyết tâm duy trì tiến trình hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm