Tăng trưởng 'nhanh nhất thế giới', Việt Nam vẫn còn rất nhiều 'việc phải làm'
Gỡ đến cùng từng vướng mắc để bứt phá / Xúc tiến thương mại 2019 sẽ hướng tới những thị trường nào?
Ấn tượng, kỷ lục, vượt xa, nhanh nhất thế giới... Đó là những từ ngữ được các chuyên gia và giới truyền thông sử dụng để tái hiện sống động nhất về “bức tranh” kinh tế Việt Nam năm 2018. Với mức tăng trưởng 7,08%, kinh tế Việt Nam ghi nhận những “dấu ấn” đặc biệt sau hơn 1 thập kỷ.
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá: “Năm 2018 kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng cao mà có xu hướng tốt nhờ có sự cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động; sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng cao.”.
Năm 2016, để có 1% tăng trưởng GDP thì cần tới 2,94% tăng trưởng tín dụng; năm 2017 chỉ số này giảm xuống còn 2,68%. Năm 2018, ước tổng tăng trưởng tín dụng theo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước là khoảng 14%, với mức tăng trưởng 7,08% thì chỉ số % tăng trưởng tín dụng cần thiết cho 1% tăng trưởng GDP chỉ còn là 2,1%.
Về năng suất lao động, Việt Nam có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD, cao hơn gần 6% so với năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm đổi mới, đã tiến xa so với chính chúng ta, nhưng chưa thấm gì so với thế giới.
“Thế giới đã thay đổi rất nhanh trong 30 năm qua. Chúng ta chỉ xếp 136/188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trình độ phát triển của ta cũng chỉ bằng Hàn Quốc cách đây 40 năm Hàn Quốc cũng thế, 20 năm Malaysia cũng thế…. Do đó, chặng đường phía trước là hết sức khó khăn”, Bộ trưởng Dũng nêu.
Ông Dũng cho rằng, Việt Nam phải chủ động quyết định, hoạch định tương lai, con đường đi, của thế hệ sau này. Đây là thời điểm hết sức quan trọng, nhưng người dân phải có khát vọng, tinh thần dân tộc, chăm chỉ hơn thì quốc gia sẽ thịnh vượng, người dân sẽ hạnh phúc.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện sắp xếp lại bộ máy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy diễn ra trong bối cảnh các văn bản quy định về quản lý bộ máy, biên chế chưa được ban hành đồng bộ. Do đó, việc triển khai của các Bộ, ngành, địa phương có cách thức triển khai khác nhau, chưa có một mô hình mẫu để học tập, rút kinh nghiệm.
"Vì vậy, là một trong các Bộ đi đầu trong cải cách bộ máy, Bộ Tài chính vừa thực hiện, vừa phải xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền do có một số vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp, dẫn đến quá trình triển khai kéo dài hơn so với dự kiến", ông nói.
Bên cạnh đó, theo người đứng đầu ngành tài chính, cán bộ các đơn vị thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập mặc dù đã được quán triệt, động viên về tư tưởng, tuy nhiên vẫn còn một số cán bộ có tâm tư do việc sắp xếp ảnh hưởng đến vị trí công tác, ảnh hưởng trực tiếp đời sống, sinh hoạt của cán bộ do vấn đề về khoảng cách địa lý, chi phí, rủi ro đi lại...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công cho biết, có mấy việc rất quan trọng cần làm ngay để triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương Đảng khoá XII.
Thứ nhất, muốn trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh cần xây dựng, phê duyệt Đề án vị trí việc làm.
Thứ hai, là phải tăng cường sắp xếp lại bộ máy theo Nghị quyết 18 và 19, tăng cường sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao hiệu quả sử dụng các đơn vị sự nghiệp công. Tinh giản biên chế mỗi năm bình quân phải giảm 2,5% tổng số biên chế.
Thứ 3, chuẩn bị nguồn lực để cải cách tiền lương. Từ nay trở đi, hàng năm dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương và khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương cho cải cách tiền lương. Cộng với khoản tiết kiệm được từ sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chúng ta sẽ có một nguồn lực đủ đến năm 2021 điều chỉnh lương theo phương án cải cách chính sách tiền lương.
Với 12 FTAs đã ký kết với tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA khoảng 35%, độ mở tăng nhanh chóng từ 120% lên gần 200% GDP trong 10 năm khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài, điển hình là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Do đó, theo chuyên gia SSI, tận dụng giao thương để tăng trưởng nhanh cũng cần đi kèm củng cố nội lực để tăng trưởng bền vững hơn.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nhen nhóm từ đầu năm 2018, mặc dù vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của cuộc chiến song theo những phân tích ban đầu, Việt Nam được kỳ vọng là quốc gia hưởng lợi nhờ sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và thương mại hàng hóa theo nhiều cách.
Cụ thể, hàng hóa Trung Quốc đi đường vòng để tìm đường vào thị trường Mỹ và hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ trở nên kém cạnh tranh tạo điều kiện cho hàng hóa từ các nước khác trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức với Việt Nam cũng không nhỏ nếu hàng hóa Trung Quốc không xuất được sang Mỹ tìm tới các thị trường khác trong đó có Việt Nam, Trung Quốc tăng cường tiêu dùng nội địa gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam hay hàng linh phụ kiện của Việt Nam xuất sang Trung Quốc để chế biến, lắp ráp hàng xuất khẩu đi Mỹ cũng gặp khó khăn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo