Tết Kỷ Hợi 2019: Người dân sẽ tiêu tiền nhiều hay ít?
Miễn áp dụng biện pháp tự vệ 32.285 tấn tôn màu nhập khẩu năm 2019 / CLIP: Hoa đào, hoa mai giả giá 'cắt cổ' vẫn đắt khách ngày Tết
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho hay: Dịp Tết này, nhu cầu hàng hóa tăng khoảng 10- 20%; cơ cấu tiêu dùng của người dân cũng được nâng cao. Xu hướng Tết người dân dần thay đổi, số lượng người dân chọn đi du lịch dịp Tết Nguyên đán ngày càng nhiều. Năm nay, thưởng Tết nói chung cho người lao động cũng tốt hơn, cao gấp 3,5 lần so với 10 năm trước nên nhu cầu chi tiêu sẽ tăng mạnh.
"Khi tăng trưởng kinh tế đạt cao thì người nghèo, đối tượng chính sách xã hội sẽ được trợ cấp vào các dịp lễ Tết; thu nhập bình quân của người nông dân cũng tăng so với trước đây, đời sống nông thôn cũng được cải thiện hơn", ông Vũ Vinh Phú nói.
Theo Bộ Lao động - Thương binh xã hội, mức thưởng Tết Âm lịch năm nay bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 6,31 triệu đồng/người), tăng 11,4% so với năm 2018, chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng. Trong khi đó, thưởng Tết Dương chỉ khoảng 1,4 triệu đồng.
Còn TS. Lê Đăng Doanh nhận định: GDP năm 2018 tăng dĩ nhiên sẽ có tác động kích thích tiêu dùng. Ví dụ xuất khẩu tăng, sản lượng công nghiệp tăng, nông nghiệp có mức tăng trưởng cao và xuất khẩu nông nghiệp tốt nên nhiều người dân đã có thu nhập tốt hơn. "Tết năm nay được dự báo là một cái Tết phong phú, người dân có thể tiêu dùng ở mức cao hơn so với năm ngoái. Tiêu dùng sẽ tăng tích cực, đó là tín hiệu tốt đối với người làm công ăn lương, đặc biệt đối với công nhân và nông dân", ông Doanh nói.
Kết quả tích cực của tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 dự báo sẽ giúp người dân có thể tiêu dùng ở mức cao hơn trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và chính là giai đoạn tăng nhanh tiêu dùng của hộ dân cư. Nếu tận dụng tốt giai đoạn này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong năm 2018, GDP tăng 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Dưới góc nhìn của chuyên gia thương mại, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang thay đổi về chất, thể hiện việc giải quyết công ăn việc làm, thu nhập của người dân tăng lên, dẫn tới nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2018 tăng trên 11%, trong khi mức tăng chung của các năm trước là 8 -10%.
“Có thể nhìn thấy rõ sức sản xuất của doanh nghiệp đang tăng cao, tạo ra sự lưu chuyển hàng hóa linh hoạt hơn, liên kết cung cầu tốt hơn, hàng hóa tồn kho giảm mạnh so với năm 2017. Đặc biệt, tâm lý và cơ cấu tiêu dùng của người dân thay đổi. Ví dụ, nhóm người có thu nhập khá trở lên sẽ đi vào hàng có giá trị cao hơn, sản phẩm hàng hóa đắt tiền… Do đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng phải tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người dân để nâng cao giá trị sản lượng”, chuyên gia Vũ Vinh Phú phân tích.
Ông Vũ Vinh Phú cho biết: Thành phố Hà Nội đang liên tiếp tổ chức các hội chợ sản phẩm của các địa phương, từ đó kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất phát triển. Trong nông nghiệp, hàng loạt tập đoàn lớn trong nước đầu tư chế biến nông sản, liên kết với nhau để phát triển. Ví dụ, Thaco Trường Hải liên kết với Hoàng Anh Gia Lai với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để làm nông nghiệp công nghệ cao…
"Như vậy, khi việc làm, thu nhập, hàng hóa tăng, đời sống của người dân được cải thiện thì bán lẻ cũng tăng lên và hy vọng có thể đạt trên ở mức 11-12% trong năm 2019", ông Phú nói.
Theo các chuyên gia thương mại, hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đang có sự chuẩn bị tương đối đầy đủ, chu đáo và khá toàn diện với những số liệu công bố lớn về quỹ hàng hóa để phục vụ tiêu dùng. Cụ thể: TP.HCM là 18.400 tỷ, Hà Nội : 28.500 tỷ đồng. Đi đôi với tổng trị giá hàng hóa thì số lượng hàng hóa thiết yếu cũng được công bố. Hà Nội chuẩn bị 190.000 tấn gạo, 44.000 tấn thịt lợn, 14.000 tấn thịt gà, 12.000 tấn thịt bò, 250 triệu quả trứng, 250 tấn rau, 3000 tấn bánh mứt kẹo, 200 triệu lít rượu bia...
Ngoài ra, Hà Nội và TP.HCM còn tổ chức bán hàng bình ổn giá ở một số điểm, tổ chức các hội chợ xuân, các đợt phục vụ lưu động ở các khu công nghiệp, sinh viên và đưa hàng Việt về nông thôn với hàng trăm cửa hàng bán lưu động, đặc biệt lưu tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm trong dịp Tết sắp tới.
Theo nhận định chung của các chuyên gia thương mại, hàng hóa trên thị trường nhất là hàng hóa, bách hóa nhu yếu phẩm, may mặc, điện máy, dụng cụ gia đình không hề thiếu. Điều quan trọng là người tiêu dùng quan tâm đến giá cả hợp lý, cạnh tranh và chất lượng đảm bảo cho gia đình và bản thân trong dịp mua sắm tết. Điều quan trọng hơn là những mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt, cá, rau quả các loại, một số đồ uống... hay có những biến động giá trong dịp Tết, nhất là khi mất cân đối về cung cầu hoặc bị thiên tai, dịch bệnh đột xuất.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam