Tham gia CPTPP: Cởi trói môi trường kinh doanh
Canada sẽ nằm trong nhóm thành viên đầu tiên của CPTPP / Khảo sát, đánh giá chất lượng doanh nghiệp Việt Nam để thực thi hiệu quả CPTPP
So với kết quả năm ngoái, điểm tổng sắp môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB xếp hạng, có nhiều điểm đáng lưu ý. Theo bảng xếp hạng năm ngoái, môi trường kinh doanh của Việt Nam ở vị trí thứ 68 trong 190 nền kinh tế được khảo sát, với số điểm 67,93/100. Việt Nam cùng với Indonesia, Philippines được đánh giá là những nền kinh tế có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh khi 3 tiêu chí đánh giá đều xếp hạng tốt.
Tuy nhiên, sang năm nay, báo cáo Doing Business năm 2019 cho thấy Việt Nam chỉ đạt 3 cải cách, giảm 2 cải cách so với năm trước. Với 10 chỉ số đánh giá, Việt Nam có 7/10 chỉ số tăng điểm nhưng xét về thứ hạng chỉ có 4/10 chỉ số tăng vị trí bao gồm: Khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện, đăng kí tài sản và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Trong báo cáo của WB là chỉ số Tiếp cận điện gây chú ý nhất trong các chỉ số Việt Nam được đánh giá khi tăng tới 37 bậc trên bảng xếp hạng, dừng ở vị trí 27/190. Tuy nhiên, dù đạt 68,36 điểm tăng 1,59 điểm so với năm ngoái, Việt Nam vẫn bị tụt 1 bậc.
Ảnh minh họa.
Báo cáo cũng cho thấy, so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ đứng mức giữa và bị bỏ khá xa so với những quốc gia đứng đầu như Singapore (2/190), Malaysia (15/190), Thái Lan (27/190) và Brunei (55/190).
Mặc dù có sự tụt hạng nhưng Việt Nam vẫn được WB đánh giá là nền kinh tế có nhiều cải cách cùng với Indonesia và Philippines. Ở Việt Nam, các cải cách giúp thuận tiện hơn trong thực thi hợp đồng, trả thuế và thành lập doanh nghiệp.
Xóa lợi ích nhóm để cải thiện môi trường kinh doanh
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kết quả đánh giá của WB cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam không xấu hơn trước, nhưng tiến bộ chưa được như kỳ vọng... Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam cần nỗ lực hơn nhiều so với những gì đang làm, cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam tụt hậu không phải do không cải cách mà cải cách của các nước mạnh mẽ hơn. Các nước xung quanh cũng quyết tâm mà Việt Nam chỉ quyết tâm như những năm trước thì không bao giờ đạt được mục tiêu. Quyết tâm của cơ quan bộ, ngành phải gấp 3, 4, 5 lần so với trước, khi đó mới đạt được mục tiêu.
Theo ông Hiếu, thời gian qua, bộ ngành đã chịu áp lực trong thực hiện Nghị quyết 19, nay nếu cải thiện vượt trội để vượt qua các nước khác sẽ là thách thức không hề nhỏ. “Duy trì nỗ lực đã khó, đòi hỏi nỗ lực ấy gấp nhiều lần càng khó hơn. Nhưng tôi cho rằng, các cơ quan liên quan cần thấy rằng, đây là cơ hội không cải cách lần này thì cơ hội cải cách mất đi, chi phí làm lại sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều, bởi thời gian làm lại rất dài và lợi ích sẽ giảm dần”, ông Phan Đức Hiếu nói.
Cũng tại hội thảo về tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 do CIEM tổ chức ngày 2/11, lí giải về sự tụt giảm chỉ số thuế trong báo cáo của WB, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Tổng cục Thuế cho rằng, còn nhiều cải cách của Việt Nam chưa được WB ghi nhận. Cụ thể, doanh nghiệp nộp thuế cần đến 351 giờ, tuy nhiên phân tích cho thấy, trong 351 giờ đó có đến 334 giờ là dành cho tính toán số liệu và chuẩn bị tờ khai. Thực tế, thời gian nộp tờ khai và nộp thuế chỉ còn 17 giờ/năm. Đây là mức rất thấp so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, một loạt chính sách thuế không được WB cập nhật trong báo cáo năm nay như bỏ bảng kê hóa đơn hàng hóa dịch vụ mua vào bán ra kèm theo tờ khai thuế VAT (đã được bỏ từ tháng 11/2014). Trong khi đó, báo cáo WB đánh giá thời gian để doanh nghiệp lập bảng kê hóa đơn mất 90 giờ...
Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được WB ghi nhận trong năm 2018, có 2 cải cách thuộc chỉ số khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sắp tới Bộ KH&ĐT nên rà soát nguyên nhân làm tăng thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Bởi thời gian thực hiện thủ tục này được ghi nhận là 3 ngày làm việc theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, nhưng hiện nay vẫn chiếm tới 5 ngày.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trong bảng xếp hạng của WB, Việt Nam giảm 1 bậc nhưng tổng số điểm tăng lên, chứng tỏ môi trường kinh doanh của Việt Nam có cải thiện. “Việc tụt hạng chứng tỏ các nền kinh tế khác cải cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn Việt Nam. Trong quá trình cải cách môi trường kinh doanh, Việt Nam phải so sánh với các nước xung quanh. Nhiều nước tiến lên nâng hạng như Trung Quốc cải thiện tới 10 bậc. Vì vậy chúng ta phải xem xét nghiêm túc các tiêu chí bị WB xếp hạng thấp và vượt lên hơn nữa”, ông Doanh kiến nghị.
“Mặc dù Chính phủ đã rất quyết tâm, hô hào cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường kinh doanh của Việt Nam xét về điểm có vượt lên nhưng thứ hạng lại tụt. Như vậy vừa được vừa mất. Nghĩa là xét tổng thể, chúng ta có cố gắng nhưng chưa đáp ứng được để sánh vai với nhiều nước trên thế giới. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ.
Theo ông Long, Chính phủ yêu cầu đến cuối tháng 10 này tất cả các bộ, ngành phải cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD), song các bộ, ngành vẫn đang chần chừ. Đằng sau đó, theo ông Long chính là “nhóm lợi ích”, Chính phủ phải quyết liệt dẹp bỏ. “Trên nóng, dưới cũng đã nóng song ở giữa vẫn lạnh. Lời nói của mình không đi đôi với thực hành. Điều kiện kinh doanh chính là rào cản làm tăng chi phí, tốn kém cho doanh nghiệp, hạn chế hiệu quả lao động. Do đó, cần quy trách nhiệm, giám sát chặt chẽ và có chế tài xử phạt nghiêm minh các bộ, ngành, đơn vị không thực hiện theo yêu cầu”, PGS.TS Ngô Trí Long bình luận.
Tận dụng lợi thế hoặc phải đối mặt tụt hậu
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, việc cải cách môi trường kinh doanh càng phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. CPTPP là hiệp định toàn diện với nhiều nội dung phải cải cách. Khi tham gia hiệp định này, chúng ta phải đảm bảo nhiều yếu tố như bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu...
Đặc biệt, CPTPP có quy định khắt khe về chống tham nhũng. Trong đó, quy định người nhận, người đưa, người môi giới hay gợi ý tham nhũng cũng sẽ bị trừng phạt. Đây là điều rất mới với chúng ta để nghiên cứu kỹ và tận dụng cơ hội.
“Các nước tham gia CPTPP đều có nền kinh tế phát triển so với Việt Nam. Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm cho họ cần có nỗ lực cao hơn”, ông Doanh cảnh báo.
WB xếp hạng môi trường kinh doanh dựa trên 10 tiêu chí gồm: Thành lập doanh nghiệp; xin cấp phép xây dựng; tiếp cận điện năng; đăng ký tài sản; vay vốn; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; nộp thuế; giao thương quốc tế; thực thi hợp đồng; xử lý khi mất khả năng thanh toán.
End of content
Không có tin nào tiếp theo