Tháo gỡ khó khăn, tìm động lực tăng trưởng cho ngành công thương phía Bắc
DNVN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, ngành công thương khu vực phía Bắc cần tìm ra con đường để toàn vùng phát triển, từng địa phương phát triển. Cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Vĩnh Long: Nông dân huyện Long Hồ lãi lớn nhờ áp dụng kỹ thuật xử lý chôm chôm trái vụ / Tiền Giang ra mắt Điểm bán hàng Việt thứ 3 tại TP Mỹ Tho
Những tín hiệu khả quan
Sáng 23/9, tại Thanh Hóa, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ VIII, năm 2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc chiếm 45% dân số cả nước, là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng của nước ta với toàn bộ 2 vùng kinh tế - xã hội Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và một phần vùng Bắc Trung bộ (gồm 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Đây cũng là khu vực có “Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc”, Vùng kinh tế Thủ đô, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải phòng - Quảng Ninh. Khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc có kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông tốt…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An.
"Vì vậy, Hội nghị ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực miền phía Bắc năm 2022 là dịp để ngành công thương tìm ra con đường để toàn vùng phát triển, từng địa phương phát triển. Qua tham luận của lãnh đạo các địa phương, Sở Công Thương, phân tích những kết quả đạt được, chỉ ra những động lực nào để phát triển, khó khăn đang gặp phải, từ đó tìm ra cơ hội đóng góp cho ngành Công Thương phát triển hơn nữa", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, những năm vừa qua, ngành công thương khu vực phía Bắc đã và đang tiếp tục có những đóng góp rất lớn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, xét về mặt tổng quan, hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ thương mại của toàn khu vực vẫn còn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Khoảng cách phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực vẫn còn tương đối lớn. Đây là những thách thức đặt ra với chúng ra trong thời gian tới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, phục vụ cho giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi trước hết là sự liên kết, hợp tác giữa 28 tỉnh, thành phố trong khu vực.
Ngành công thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của Trung ương và của từng địa phương, nhờ đó "bức tranh" tổng thể về công nghiệp, thương mại của vùng trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận những kết quả và tín hiệu khả quan.
Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp của đa số các tỉnh trong khu vực tiếp tục tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ. 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%). Đặc biệt có những tỉnh chỉ số sản xuất công nhiệp (IIP) ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ . Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt gần 1.613.000 tỷ đồng, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố có tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng cao so với cùng kỳ. Một số địa phương chiếm tỷ trọng cao trong toàn khu vực như: Hà Nội ước đạt 509. 800 tỷ đồng, chiếm 34%; Hải Phòng ước đạt 128.900 tỷ đồng, chiếm 8,6 %; Thanh Hóa 127.400 tỷ đồng, chiếm 8,5%; Quảng Ninh 114.800 tỷ đồng, chiếm 7,1%...
Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt 160,8 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu khu vực ước đạt 160,6 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ...
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, để vượt qua thách thức, đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025, ngành công thương toàn vùng cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 1, 2 và Chương trình phục hồi kinh tế.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển. Quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy phát triển sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới.
Tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh của địa phương, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước, tận dụng tốt các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo