Thêm động lực cho tăng trưởng xuất khẩu
2 tháng đầu năm 2021: 2 tỷ USD xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào Mỹ / Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 2,2%
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, tiến độ xuất khẩu (XK) sang các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc)trong giữa đầu tháng 3/2021được đẩy nhanh so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, số lượng các lô hàng đạt giá trị cao như áo thun, quần, áo jacket tăng khá mạnh.
Kỳ vọng từ thị trường Mỹ
Kim ngạch XK dệt may trong 10 ngày đầu tháng 3 ước đạt 830 triệu USD, tăng hơn 230 triệu USD so với tuần trước và tăng hơn 120 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm nay, Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên kim ngạch chỉ đạt 2,2 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 49% tổng trị giá XK hàng dệt may của cả nước.
Nhiều ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam kỳ vọng gia tăng kim ngạchsau gói kích cầu 1.900 tỷ USD củaMỹ. |
Dệt may là một trong những mặt hàng chủ lực đang được kỳ vọng cải thiện sức tăng trưởng XK vào thị trường Mỹ trong thời gian tới, sau khi nước này vừa thông qua gói kích cầu “khủng” nhất từ trước đến nay để hỗ trợ nền kinh tế trong nước sau tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Theo chia sẻ của Ts. Burkhard Schrage, Chủ nhiệm Bộ môn Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học RMIT, Mỹ là đối tác XK lớn nhất của Việt Nam với khoảng 20% tổng kim ngạch XK. Bên cạnh dệt may,còn có các mặt hàng XK hàng đầu củaViệt Namcũng vào được thị trường này như điện tử, tiêu dùng, giày dép.
Ts. Burkhard cho rằng, dệt may và những sản phẩm XK chủ lực có thể được mua bằng tấm séc trị giá 1.400 USD mà hầu hết các hộ gia đình đủ điều kiện ở Mỹ sẽ sớm nhận được thông qua gói kích cầu 1.900 tỷ USD.
Được biết, 400 tỷ USD trong gói kích cầu của chính quyền ông Biden năm nay sẽ được rót trực tiếp cho khoảng 85% những hộ gia đình Mỹ với mục tiêu chính là nhằm bơm thêm mãi lực cho họ. Và khi đó, cơ hội để Việt Nam XK những mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ càng được mở rộng trở lại.
Theo vị chuyên gia của RMIT, các công ty ở Mỹ trong ngành sản xuất, bán lẻ, ngân hàng hoặc các ngành tương tự sẽ có cơ hội hưởng lợi hơn từ gói hỗ trợ này. Và thị trường thế giới trong những tháng tới có thể sẽ tiếp tục cải thiện nhờ nhu cầu tiêu thụ mới tại Mỹ sau gói kích cầu. Đó chính là thông tin tốt lành cho nền kinh tế Việt Nam, và chắc chắn sẽ tạo thêm động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế trong năm nay.
Ghi nhận ở tỉnh Đồng Nai cho thấy, tiến độ XK các mặt hàng chủ lực vào thị trường Mỹ đang khá tốt. Điển hình như mặt hàng giày dép XK với thị trường chính là Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, Nhật Bản, đang dẫn đầu về kim ngạch XK trong 2 tháng đầu năm nay với gần 794 triệu USD, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khai thác tốt từng thị trường
Trong 13 ngành hàng có kim ngạch XK lớn của Đồng Nai, có tới 12 ngành từ đầu năm đến nay có mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhất là nhiều mặt hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) đã XK.
Một số DN ở Đồng Nai còn cho biết, nhiều đơn hàng từ nước ngoài đã dịch chuyển về Việt Nam trong đó có Đồng Nai, nên XK tăng trưởng tốt trở lại. Các khách hàng nước ngoài dịch chuyển đơn hàng về Đồng Nai là do các DN trên địa bàn tỉnh có thể sản xuất được những đơn hàng khó, trong thời gian ngắn.
Theo nhận định mới đây trên báo chí quốc tế của ông Sébastien Breteau, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc hãng QIMA (hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, nghiên cứu thị trường), Việt Nam đang là một điểm tựa cho khu vực sản xuất khi đã kiểm soát rất tốt đà lây lan của đại dịch Covid-19.
Ông Sébastien cũng cho rằng, Việt Nam đã củng cố được vị thế của mình trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ -Trung và “ghi được những bàn thắng quan trọng” từ khủng hoảng lần này.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, hoạt động XK của Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm động lực tăng trưởng trong các tháng tới nếu như kinh tế toàn cầu phục hồi như trường hợp có gói kích cầu của Mỹ. Một khi các quốc gia coi việc phục hồi tiêu dùng trong nước như mục tiêu chính sách cốt lõi thì hàng Việt sẽ có thêm cơ hội gia tăng XK.
Bên cạnh đó, trước những thay đổi trong xu hướng mua sắm của người tiêu dùng toàn cầu từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như cần có sự linh hoạt trong XK, thì việc đẩy mạnh XK trực tuyến là điều mà các DN Việt cần nhắm tới.
Điển hình như hôm 16/3 vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Công ty Alibaba.com đã ký kết biên bản hợp tác chính thức để thực hiện các hoạt động thúc đẩy XK trực truyến thông qua website này.
Dự kiến có trên 1.200 DN trong nước sẽ được hưởng lợi từ chương trình hợp tác. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, việc hợp tác sẽ hỗ trợ các DN Việt Nam đang XK những mặt hàng chiến lược để thiết lập hệ thống nhận diện và thương hiệu hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh hỗ trợ XK trực tuyến, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK vào các thị trường XK sớm khôi phục sau đại địch. Đặc biệt là tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu nhằm khai thác, thúc đẩy XK.
End of content
Không có tin nào tiếp theo