Thị trường

Xuất khẩu vực dậy trong đại dịch nhờ động lực từ các FTA

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, thị trường nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong 2 tháng đầu năm vẫn gia tăng, điều này cho thấy doanh nghiệp Việt đang tận dụng ngày càng hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do.

Indonesia sẽ nghiên cứu kỹ tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam / Thị trường quà tặng 8/3: Hoa tươi tăng giá, các nhãn hàng đua nhau tung khuyến mãi lớn

Thủy sản, dệt may, da giày… đều tăng trưởng

Theo Hiệp hội Chế biến và thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 2 ước đạt trên 405 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nên thời gian sản xuất, chế biến ít hơn. Nhưng lũy kế cả 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng.

Với đà xuất khẩu này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ngay từ đầu năm, ngành dệt may cũng đã có những khởi sắc, 2 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 4,76 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghiệp với xu hướng tiêu dùng của thị trường để hoạt động thương mại xuyên biên giới được duy trì liên tục.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH một thành viên 76.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành dệt may, gồm cả các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Đặc biệt, những mặt hàng như dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7-8/2021.

Còn ngành da giày đã duy trì được nhịp độ sản xuất, kim ngạch xuất khẩu giày, dép các loại 2 tháng đầu năm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam cho biết, Việt Nam có ưu thế kiểm soát dịch tốt, cùng đó, hiện nay Việt Nam đã ký kết các hiệp định, đặc biệt là Hiệp định EVFTA, đây cũng là một trong những lý do để giúp cho các đơn hàng về Việt Nam tốt hơn.

Tận dụng cơ hội từ các FTA

Một trong những yếu tố giúp cho xuất khẩu thủy sản đạt kết quả ngay từ đầu năm 2021, theo đánh giá của VASEP là do một số ngành có lợi thế xuất khẩu từ các FTA. Theo đó, ngành tôm đang có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do vừa ký kết và đi vào thực thi. Cụ thể, với thị trường EU, nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu sẽ được giảm từ 12-20% xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.

Cùng với đó, thủy sản cũng có thế mạnh xuất sang Mỹ, EU và các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và sẽ duy trì tích cực nhờ nhu cầu cao và đòn bẩy từ các hiệp định thương mại.

 

Tuy nhiên, VASEP cho rằng, để tận dụng được các ưu đãi từ thị trường EU sau EVFTA và các thị trường khác, cần thiết phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm không chỉ muốn là bán được, mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khácphát triển nhanh như Ấn Độ, Indonesia...Hiện khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn cách tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.

Ông Trần Thanh Hải,Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 73,8% tổng kim ngạch xuất khẩu ở các lĩnh vực như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép, thủy sản… Điều này cho thấy những tác động tích cực từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

“Năm 2020, Việt Nam có 3 FTA đi vào thực hiện, được ký kết đó là EVFTA, UKVFTA và RCEP. Trong đó, Hiệp định EVFTA và RCEP là những Hiệp định có quy mô rất lớn và cũng được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thay đổi mạnh mẽ. Trong thời gian tới, khi các hiệp định được thực thi một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn cũng như khi các yếu tố về dịch bệnh có thể được đẩy lùi với việc đưa vắc xin vào áp dụng đại trà trong năm 2021 và 2022 sẽ giúp cho các hoạt động sản xuất của Việt Nam sẽ có những yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa”, ông Trần Thanh Hải nhận định.

Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý, năm 2021 kể cả dịch bệnh có thể thuyên giảm thì tác động của COVID-19 vẫn sẽ còn duy trì ít nhất trong vài năm nữa. Yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này và phải tiếp tục sử dụng các kênh tiếp thị trên môi trường số.

Ông Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương đang xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược mới về hoạt động xuất nhập khẩu trong giai đoạn sắp tới, vừa là để thay thế chiến lược 10 năm vừa qua, đồng thời cũng là xác định hướng đi mới trong bối cảnh thế giới đã có rất nhiều thay đổi như hiện nay, về những yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế, những yếu tố về địa lý, yếu tố về tự nhiên cũng như là yếu tố về sản xuất, tác động của khoa học công nghệ.

 

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục đàm phán cũng như hoàn thiện các thể chế liên quan đến các hiệp định thương mại tự do, trong đó có vấn đề về quy tắc xuất xứ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi của Hiệp định tốt hơn. Các hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến cũng được các cơ quan của Bộ cũng sẽ đẩy mạnh và tìm ra hình thức phù hợp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm