Thị trường bán lẻ Việt tăng trưởng mạnh
Thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp không nên "bỏ trứng vào một giỏ" / Ra sức thâu tóm, cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ sắp có hồi kết?
Tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2019 tại thị trường Việt Nam được cho là có thể đạt khoảng 4.901 - 4.923 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6 - 12% so với năm 2018.
Tâm lýtiêu dùng tích cực
Vai trò của thị trường nội địa được ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh tại hội nghị ở Hà Nội cuối tuần vừa qua để triển khai nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2020, xem như 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2019, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trong nước, với mức độ tăng trưởng 18%/năm, điều này cho thấy dư địa, sức sống nội nhu trong phát triển kinh tế.
Trong báo cáo triển vọng ngành bán lẻ năm 2020 của công ty Chứng khoán VCBS, khi nhìn lại năm 2019 cũng nhìn nhận thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Tăng trưởng chính đến từ nhóm sản phẩm văn hóa - giáo dục, thực phẩm và gia dụng.
Những đô thị cấp 1 - 2 đang cho thấy tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 15%) so với các trung tâm kinh tế Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM (khoảng 12%). Điều này khiến các nhà phân tích nhận định doanh số tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, song đã có dấu hiệu hạ nhiệt tại các thành phố lớn, động lực tới từ các thành phố cấp 2.
Trong năm 2019, mạng lưới bán lẻ hiện đại (MT) được ghi nhận tăng trưởng khoảng 19% về giá trị, được cho là tăng trưởng mạnh hơn kênh truyền thống (GT) với mức tăng chỉ khoảng 5% về giá trị.
Số liệu cập nhật gần đây nhất của Bộ Công Thương với thị trường bán lẻ nội địa cho thấy doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng khá, nhờ sức mua tiêu dùng tăng ở nhiều nhóm hàng thiết yếu.
Nhìn vào riêng tháng 11 vừa qua, cũng cho thấy sự tăng trưởng vượt bật của thị trường bán lẻ Việt so với trước đây. Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2019 ước tính đạt 425,5 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng cao nhất của tháng 11 trong 6 năm trở lại đây. Bằng chứng là tháng 11/2014 mức tăng chỉ là 7,6%, đến năm 2015 là 9,8%, rồi năm 2016 là 10,1%, năm 2017 là 11%, năm 2018 là 10,8%.
Nhìn lại diễn biến thị trường bán lẻ Việt năm 2019, các chuyên gia phân tích của VCBS cho rằng niềm tin tiêu dùng đạt đỉnh, chất lượng sản phẩm dần được chú trọng. Tâm lý tiêu dùng tích cực, xu hướng dần chuyển sang phân khúc cao cấp.
“Cô đặc thị trườngphân mảnh”
Theo đó, Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây, đạt đỉnh vào quý III/2019. Thu nhập bình quân gia tăng với tốc độ cao thứ nhì khu vực tạo ra hai hiệu ứng. Thứ nhất, là khiến người tiêu dùng Việt chi tiêu nhiều hơn, thể hiện qua tăng trưởng sản lượng. Thứ hai, là dịch chuyển qua phân khúc cao cấp hơn với yếu tố giá cả gia tốc và người tiêu dùng cũng khắc khe hơn về mặt chất lượng.
Phân chia theo nhóm mặt hàng, bách hóa và điện lạnh gia dụng là những mặt hàng có doanh thu bán lẻ cao nhất thị trường bán lẻ Việt.
Bên cạnh đó, theo VCBS, internet đang dần thay đổi hành vi tiêu dùng, tỷ lệ thâm nhập của internet vào đời sống gia tăng. Hiện tại, mức độ tiếp cận và sử dụng internet của người Việt Nam đã ở mức cao so với khu vực. Thêm vào đó, sự phát triển của điện thoại thông minh cùng xu hướng tiêu dùng tiện lợi đã dẫn tới xu hướng mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
Các mặt hàng mua sắm nhiều nhất là thời trang, mỹ phẩm, sách và điện thoại di động. Những món đồ có giá trị cao và đồ tươi sống vẫn có xu hướng mua trực tiếp. Theo khảo sát của Q&me, các trang thương mại điện tử dẫn đầu theo độ phổ biến là Shopee (75%), Lazada (70%), Tiki (58%), Facebook (54%), Sendo (44%), Adayroi (25%).
Những nhà bán lẻ hàng đầu tiếp tục chiến lược “cô đặc thị trường phân mảnh”. Độ phân mảnh tại nông thôn vẫn còn nhiều, tạo ra dư địa cho các nhà bán lẻ hiện đại. Các cửa hàng bán lẻ truyền thống (bao gồm cửa hàng nhỏ lẻ, chợ cóc) vẫn chiếm tỷ lệ khá cao tại Việt Nam, tại thành thị chiếm hơn 60%, tại nông thôn chiếm hơn 90%.
Trên thực tế, các cửa hàng thuộc mô hình hiện đại mới chỉ tập trung tại một số nhóm ngành nhất định như điện thoại di động, điện máy, dược phẩm, thực phẩm đồ uống... Có thể thấy, thị trường bán lẻ vẫn còn rất nhiều các sản phẩm vẫn đang trong tình trạng phân mảnh chờ được khai phá.
Bàn về phát triển thị trường nội địa (trong đó có thị trường bán lẻ), theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, cũng như sự phát triển ngành sản xuất, cần có sự hoàn thiện từng bước về thể chế, pháp luật để tạo dựng cho các ngành sản xuất vật chất có điều kiện phát triển trong khai thác cơ chế và điều kiện của thị trường nội địa cũng như đóng góp nhu cầu ngày càng cao của người dân. Để từ đó, có những quyết sách phát triển thị trường nội địa bền vững, gắn với bảo vệ quyền lợi của thị trường doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng với những yêu cầu của hội nhập.
End of content
Không có tin nào tiếp theo