Thiếu hụt lợn giống, nhưng khó nhập khẩu lợn ông bà, cụ kỵ
Thịt lợn Nga ồ ạt về Việt Nam, ép giá hàng trong nước / Nhập khẩu thịt lợn và xuất khẩu thịt gà sang Nga
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có khoảng 3,97 triệu lợn nái sinh sản, trong đó có khoảng 120.642 lợn nái cụ kỵ, ông bà thuộc các giống lợn nội và lợn ngoại. Cả nước có 467 cơ sở đang sản xuất và cung cấp lợn giống. Trong đó, có hơn 100 cơ sở chuyên sản xuất giống lợn ngoại cao sản, với tổng đàn nái hơn 109.000 con thuộc các giống Landrace, Yorshire, Duroc, Pietrain.
Cần nhập 12.000 lợn giống cụ kỵ, ông bà
Các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 67% tổng cơ sở và 37% tổng đàn nái nguồn; các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 33% tổng số cơ sở và khoảng 63% tổng đàn nái nguồn. Hiện cả nước có hơn 2,7 triệu con lợn nái thuộc các dòng ngoại cao sản và hơn 50.000 con lợn đực giống; năng suất sinh sản của đàn lợn nái nhập ngoại của Việt Nam khá tốt - khoảng 24-27 con/nái/năm (thế giới là 26-30 con/nái/năm).
Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn ở nước ta giảm mạnh. Hiện nay, cần phải thúc đẩy tái đàn chăn nuôi để tăng nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, do số lượng con giống sản xuất ra bị thiếu, nên không thể đáp ứng đủ cho chăn nuôi. Để sản xuất con giống, cần phải có cả hệ thống từ lợn giống cụ kỵ, ông bà, nhưng tất cả đều thiếu hụt.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay, theo số liệu đăng ký, năm 2020, các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu 12.000 con lợn giống cụ kỵ, ông bà. Với số lượng lợn giống đã nhập và đăng ký nhập khẩu năm 2020 sẽ phục vụ việc thay thế đàn lợn giống nhập khẩu từ năm 2016 theo chu kỳ đến thời gian loại thải, một phần bù đắp lại việc giảm đàn nái giống do bệnh dịch tả lợn châu Phi và phục vụ tăng trưởng đàn nái 0,5%/tháng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đăng ký nhập khẩu 20.000 con lợn nái phục vụ sản xuất.
Theo ông Dương, tính đến hết ngày 19/4/2020, số lượng lợn giống đã nhập khẩu là 3.016 con, tăng 133% so với năm 2018 và tăng 21% so với năm 2019. Một số doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa nhập khẩu do dịch Covid-19, khó nhất là khâu vận chuyển từ nước xuất khẩu về Việt Nam.
“Với nền chăn nuôi hiện đại ngày nay, con giống đóng vai trò quan trọng hàng đầu bởi là tiền đề của sản xuất, của năng suất, của chất lượng và giá thành, là nền tảng quan trọng duy trì sự ổn định của ngành chăn nuôi của bất cứ quốc gia nào. Việc nhập khẩu lợn giống cụ kỵ, ông bà là vô cùng cần thiết vào thời gian này để tăng số lượng lợn bố mẹ và con giống, sớm bình ổn giá giống đưa vào sản xuất. Do giống cụ kỵ, ông bà đa phần nhập từ nước ngoài, nếu đại dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định năng suất ngành chăn nuôi Việt Nam”, ông Dương nhấn mạnh.
Khó nhập khẩu do Trung Quốc "mua vét" lợn giống của cả thế giới
Tại cuộc họp, các chuyên gia nêu vấn đề, những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên đàn giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của thế giới hầu hết đều bị ảnh hưởng, trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Trung Quốc là nước có đàn lợn hạt nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch tả lợn châu Phi, nên nước này đang “mua vét” lợn giống cụ kỵ, ông bà trên thế giới. Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch sẽ nhập khẩu hàng triệu con lợn giống trong năm 2020 để khôi phục lại đàn lợn sau ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi của nước này.
Theo The Pig Site, đầu năm 2020, hơn 4.000 con lợn giống chất lượng cao của Pháp đã đến Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hải quan Trung Quốc cũng đang xúc tiến để tiếp tục nhập khẩu lợn giống số lượng lớn từ Mỹ. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 khiến kế hoạch nhập khẩu con giống năm 2020 của Trung Quốc khó hoàn thành mục tiêu và kế hoạch.
Ngành chăn nuôi Việt Nam tương tự Trung Quốc về việc phụ thuộc rất lớn nguồn giống lợn, gia cầm hạt nhân nhập khẩu từ nước ngoài. Các thị trường nhập khẩu lợn, gà cụ kỵ, ông bà, bố mẹ của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Canada, châu Âu, Đài Loan và Trung Quốc. Hiện nay, do ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 nên lưu thông, logistics gián đoạn, nhiều nước tạm dừng xuất khẩu giống gốc, đặc biệt sự cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp chăn nuôi của Trung Quốc khiến việc nhập khẩu lợn giống của các doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam từ cuối năm 2019 tới nay gặp muôn vàn khó khăn.
Đây chính là bài học cảnh tỉnh cho ngành giống của Việt Nam cần phải có chiến lược và kế hoạch dài hơn, chủ động hơn nữa. Đặc biệt, cần phải làm chủ được toàn bộ hệ thống chuỗi của ngành giống từ cụ kỵ, ông bà tới bố mẹ mới có thể làm chủ được ngành chăn nuôi trong tương lai.
Đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho hay, mỗi năm C.P có thể sản xuất được 300.000 con lợn hậu bị. Các trại của C.P có quy mô vừa phải, lợn nái từ 1.200 - 2.400 con, nuôi riêng so với trại hậu bị và trại thịt. Mỗi trại hậu bị và trại thịt có quy mô từ 10.000 - 14.000 con nên khả năng cách ly tốt. Lãnh đạo C.P nêu vấn đề, việc vận chuyển con giống trong tình hình hiện nay rất phức tạp. Khi vận chuyển qua các trạm kiểm dịch cũng có khả năng lây lan bệnh. Bởi vậy, đề nghị với lợn con, lợn nái thì cơ quan thú y chỉ nên kiểm tra ở trại xuất, trại nhập, bỏ khâu kiểm tra ở trạm kiểm dịch trên đường. Vì đây chính là nơi có nguy cơ lây lan mạnh. Về các trại giống trong tương lai, đề xuất Bộ có giải pháp cho các đơn vị này. Ví dụ như các chuồng trại xung quanh có thể ảnh hưởng tới trại giống quy mô lớn. Các trại lớn cần được đặt ở vị trí thích hợp, có khoảng cách với chuồng trại khác, đảm bảo an toàn sinh học.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, để chủ động nguồn lợn giống phục vụ sản xuất, trước mắt, các địa phương cần tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các doanh nghiệp tích cực nhập giống nguồn để tăng cường nhân giống và cung ứng lợn giống bảo đảm chất lượng, an toàn dịchbệnh. Các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi về lãi suất cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn và doanh nghiệp nhập khẩu giống… Về lâu dài, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, trên cơ sở đó triển khai đề án phát triển giống vật nuôi; tăng cường sản xuất giống tại chỗ với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo