DNVN – Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người nuôi tôm. Do đó các bên phải tăng cường kết nối để tìm hướng đi chung, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, cũng như hoạt động sản xuất, chế biến của doanh nghiệp.
Thuận lợi và khó khăn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương vừa có buổi làm việc với UBND huyện Phong Điền và các Sở, ban ngành liên quan về tình hình nuôi tôm trên cát và việc cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến xuất khẩu thủy hải sản CP Phong Điền (Nhà máy CP Phong Điền).
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, diện tích nuôi tôm trên cát tiềm năng của huyện khoảng 700ha. Diện tích nuôi trong giai đoạn 2015-2020 ổn định khoảng 250ha. Đây là vùng nuôi cao triều trên cát ven biển, đối tượng nuôi chủ yếu tôm thẻ chân trắng, nuôi theo hình thức thâm canh và có thể nuôi được quanh năm, trừ một số thời gian có nắng nóng và có mưa bão nên người nuôi chủ động không đầu tư hoặc thu hoạch để tránh thiệt hại.
Năng suất nuôi tôm trên cát trung bình khoảng 10-14 tấn/ha, có nơi cho năng suất rất cao như ở Phong Hải (hơn 20 tấn/ha). Hiện trên địa bàn huyện có 71,66 ha đang nuôi tôm, trong đó tôm năm 2019 còn lại chưa thu hoạch là 0,45 ha, tôm trong năm 2020 đã thả nuôi đến nay là 71,21 ha/ 400ha kế hoạch.
Cũng theo ông Bình, bên cạnh những thuận lợi thì việc nuôi và tiêu thụ sản phẩm tôm trên địa bàn vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Việc ứng dụng mô hình nuôi tôm sạch theo quy trình VietGAP, nuôi tôm công nghệ cao ở các hộ, nhóm hộ nuôi còn rất hạn chế.
Tôm giống có vai trò quan trọng trong việc quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả trong nuôi tôm, nhưng hiện nay trên địa bàn không có trại tôm cung cấp giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp. Mỗi năm, các cơ sở nuôi tôm trên địa bàn huyện cần khoảng 600 đến 700 triệu con giống tôm thẻ chân trắng. Thị trường đầu ra chưa ổn định, việc liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.
“Hiện nay Nhà máy CP Phong Điền đang triển khai thu mua tôm thương phẩm nhưng phải qua các đại lý thu mua, không thu mua trực tiếp từ người nuôi tôm và Hợp tác xã (HTX). Vì vậy người nuôi không chủ động được trong công tác bán sản phẩm tôm của mình. Giá thu mua tôm nguyên liệu của Nhà máy thấp hơn so với giá thị trường cùng thời điểm. Vì vậy người nuôi khó bán cho Nhà máy chế biến do chi phí đầu tư trong quá trình nuôi tôm khá lớn”, Phó Chủ tịch huyện Phong Điền trăn trở.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện các HTX, hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Phong Điền mong muốn chính quyền các cấp, Sở ban ngành quan tâm, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho người nông dân; mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ nuôi trồng, sản xuất; xây dựng kênh chính thống như mô hình HTX để các hộ nuôi tôm có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình nuôi trồng và tiêu thụ có hiệu quả...
"Điều mong muốn nhất đó là Công ty CP nên trực tiếp ký hợp đồng thu mua với người dân, xóa bỏ các đại lý thu mua trên địa bàn để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các hộ nuôi tôm", đại diện một HTX cho biết.
Trong khi đó, đại diện Công ty CP cho rằng, việc thu mua giá tôm nguyên liệu thấp là do cơ chế thị trường, phải cạnh tranh giá bán với các công ty nước ngoài khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ. Tuy nhiên, đối với giá thu mua tôm của hộ nuôi, công ty luôn cân nhắc đảm bảo lợi ích cho người nông dân.
Ngoài ra, việc các hộ nuôi tôm không đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình nuôi, không đạt chuẩn, cùng với việc nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nên công ty không thể thu mua. Đặc biệt, thời gian qua, Công ty phải thu mua tôm trên các địa bàn khác để đảm bảo hoạt động sản xuất và việc làm cho công nhân.
“Để có thể nâng cao giá trị sản xuất cũng như chất lượng đầu ra, người dân cần học hỏi, tham khảo lại cách nuôi để có phương án nuôi trồng sạch, đúng kỹ thuật, đảm bảo các tiêu chuẩn để công ty có thể sản xuất, chế biến”, đại diện Công ty CP khuyến cáo, đồng thời khẳng định, Nhà máy mong muốn có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn tại địa phương để tiến hành sản xuất theo đúng công suất thiết kế của công ty cũng như hợp tác lâu dài, chặt chẽ, bền vững với các hộ nuôi tôm trên địa bàn.
Tăng cường kết nối
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất và tiêu thụ tôm.
Trên cơ sở tinh thần mong muốn tiếp tục hợp tác giữa doanh nghiệp và các hộ nuôi tôm, ông Phương đề nghị tất cả các bên phải tăng cường kết nối, xây dựng mô hình hiệu quả để tìm hướng đi chung, thống nhất, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân cũng như hoạt động của nhà máy, trên nền tảng xây dựng mối quan hệ liên kết chặt chẽ, lợi ích giữa các hộ nuôi tôm với doanh nghiệp.
Đối với các kiến nghị của người dân, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và yêu cầu chính quyền địa phương, các sở ban ngành quan tâm, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các hộ nuôi tôm; xây dựng mô hình HTX nuôi trồng thủy sản để làm đầu mối giao dịch, thu mua trên địa bàn.
“Với xu thế hiện nay, người dân có thể tự sản xuất và tiêu thụ, tuy nhiên việc sản xuất tự phát khó bền vững. Vì vậy, người dân nên tập trung nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng cao giá trị, chất lượng phù hợp với thị trường tiêu thụ và có định hướng, kế hoạch phát triển lâu dài”, ông Phương khuyến cáo.
“Về phía doanh nghiệp, cần bám sát cơ sở để lắng nghe, trao đổi với người dân để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thu mua cũng như liên kết các mô hình sản xuất. Đồng thời hỗ trợ các mô hình công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản để tạo điều kiện cho các hộ nuôi đầu tư cơ sở hạ tầng và thực hiện mô hình liên kết nuôi và tiêu thụ sản phẩm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị.
Viên Hữu