Thúc đẩy khơi thông điểm nghẽn, kết nối tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Bắc
Hướng đi nào cho tiêu thụ nông sản nửa cuối năm trước sức ép của COVID-19? / Kết nối nhãn lồng và nông sản Hưng Yên với 21 quốc gia
Giá nhãn giảm, nhiều hộ dân không buồn thu hoạch
Thời điểm này bắt đầu vào mùa thu hoạch nhãn tại các tỉnh phía Bắc. Theo thống kê, chỉ riêng xã Thái Bình thuộc huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) tổng sản lượng nhãn năm nay ước đạt hơn 1.000 tấn, tăng 15% so với năm 2020.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng- Chủ tịch UBND xã Thái Bình cho biết, toàn xã có gần 1.000 hộ trồng nhãn với tổng diện tích là 113 ha, trong đó có 78,5 ha cho thu hoạch với 32 ha nhãn đã được ghép cải tạo và nhãn giống mới.
Hiện, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nhãn của người dân. Giá nhãn loại A từ 40.000/kg giảm còn 12.000 đồng/kg nhưng vẫn khó bán. Cùng thời điểm này năm ngoái, giá nhãn khoảng 20.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Dũng, ảnh hưởng của đại dịch bùng phát trong khoảng 10 ngày trở lại đây khiến sức tiêu thụ nhãn tại thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… giảm. Đặc biệt, hiện tại tỉnh Tuyên Quang cũng đã xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2 làm cho việc vận chuyển và lưu thông hàng hóa bị hạn chế và khó khăn hơn rất nhiều.
Nhiều người dân cho biết, giá nhãn loại A hiện chỉ có 15.000/kg, còn nhãn xấu hơn chỉ được 7.000/kg và thấp nhất là 3.000 đồng/kg. Trong khi đó tiền công thuê người hái là 300.000/người/ngày nên nhiều hộ gia đình không muốn thu hoạch vì sợ chỉ đủ tiền thuê người hái.
Không chỉ Tuyên Quang mà hiện nay, tại các tỉnh phía Bắc nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên với tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng và khó lường như hiện nay thì việc lưu thông, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh là vô cùng khó khăn. Tình trạng nhiều nơi, bà con còn không muốn thu hoạch nông sản vì rớt giá và chi phí cao.
Thúc đẩy khơi thông điểm nghẽn, kết nối tiêu thụ nông sản tại các tỉnh phía Bắc.
Khó khăn nhất vẫn là lưu thông hàng hóa
Hiện việc tiêu thụ, sản xuất tại các tỉnh thành phía Bắc đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là khâu lưu thông. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Phùng Đức Tiến, nếu tình trạng như hiện nay kéo dài sẽ làm đứt gãy những chuỗi sản xuất nông sản. Vấn đề nghiêm trọng nhất là việc vận chuyển vật tư nông nghiệp gặp khó khăn. Nếu không thu hoạch nông sản sẽ không thể bắt đầu chu kỳ sản xuất mới.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật cho biết, Trung Quốc được xem là thị trường quan trọng nhất tại khu vực phía Bắc. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang Trung Quốc bị gián đoạn.
Không chỉ khó ở khâu tiêu thụ nông sản, mà các nguyên vật liệu, vậy tư nông nghiệp hiện cũng đang là điểm nóng của cả trong Nam lẫn ngoài Bắc do chưa nhất quán được trong kiểm tra, kiểm soát khâu lưu thông hàng hóa. Theo ông Nguyễn Quốc Toản- Cục trưởng Chế biến và Phát triển nông sản, thì đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho giá thành nguyên vật liệu bị đẩy lên cao, làm cho tình hình sản xuất đã khó khăn nay càng trở nên khó khăn hơn.
Khơi thông sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản
Trước những khó khăn mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, mới đây, Bộ NN-PTNT gửi công văn số 4815/BNN-CBTTNS tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Cụ thể, theo nội dung công văn, để bảo đảm lương thực, thực phẩm cho nhân dân tại các địa phương đang giãn cách xã hội, Bộ NN-PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn; có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo đảm thúc đẩy sản xuất.
Đối với các loại nông sản vào vụ thu hoạch, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương cần thiết huy động các lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hoá.
Mục đích nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là tại các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và phục vụ xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu các tỉnh thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp như nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, trang thiết bị, thuốc, vaccine thú y… phục vụ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp và chế biến nông sản, phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động thực vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.
Trước đó, vào ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ra quyết định Thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19 do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm Tổ trưởng.
Tổ công tác sẽ giúp Bộ NN-PTNT chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Nhiệm vụ cụ thể gồm, phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các phương án duy trì hoạt động sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và các quy định khác của Chính phủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng