TP. Bảo Lộc kiến nghị với Trung ương tạo điều kiện được tiếp cận vốn ODA
Phó Chủ tịch nước dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Bình Dương / Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ
Mới đây, nhân dịp Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đến thăm và làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Triệu, UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các thế mạnh cạnh tranh, cũng như nêu nhiều kiến nghị quan trọng với Trung ương, nhằm hỗ trợ địa phương phát triển toàn diện, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Triệu, UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc kiến nghị nhiều nội dung quan trọng với Phó Chủ tịch nước và Trung ương (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Theo ông Triệu, TP. Bảo Lộc là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, có 06 phường, 05 xã. Với độ cao trung bình từ 700 - 800m so với mực nước biển, có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm (nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm 27,4°C, nhiệt độ trung bình thấp nhất trong năm 16,6°C), cảnh quan thiên nhiên hữu tình, có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, Bảo Lộc còn có tiềm năng về phát triển các loại cây công nghiệp, như: Chè, cà phê, dâu tằm, cây ăn quả các loại, nấm, cây dược liệu…; diện tích hiện có: 2.880 ha chè, 12.980 ha cà phê và 690 ha dâu tằm. Ngành công nghiệp chế biến với các sản phẩm chủ yếu là trà, cà phê, tơ lụa, may mặc… (sản lượng chè bình quân 25.000 tấn/năm; sợi tơ tằm các loại khoảng 1.000 tấn/năm; lụa tơ tằm các loại gần 3 triệu m2/năm).
Tơ lụa Bảo Lộc không ngừng bay cao, bay xa (Ảnh: VĐQ)
Trong năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.205 tỷ đồng, tăng 2% so với dự toán; thu ngân sách nhà nước do thành phố quản lý ước đạt 565,559 tỷ đồng, tăng 5% so với dự toán; GRDP bình quân đầu người đạt 71,15 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người là 49 triệu đồng/người/năm; cơ sở vật chất phúc lợi xã hội được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng của các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng được yêu cầu phát triển và nhu cầu xã hội, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân…
Chia sẻ với Phó Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc cũng cho biết, thành phố đang tiến hành lập các thủ tục vận dụng các nguồn lực từ nguồn vốn ODA, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án theo danh mục thu hút đầu tư. Trong đó có những dự án quan trọng, bao gồm:
Vị trí quy hoạch một số dự án trọng điểm TP. Bảo Lộc đã "dọn sẵn" đón nhà đầu tư
+ Đầu tư xây dựng công trình đầu mối, nhà máy và mở rộng hệ thống cấp nước phủ kín khu vực trung tâm (từ nguồn vốn ODA);
+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (từ nguồn vốn ODA);
+ Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải;
+ Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện Dự án đường vành đai phía Tây thành phố;
+ Dự án hồ Nam Phương II (gắn với Trung tâm Thời trang Tơ Lụa);
+ Dự án sân golf và nghỉ dưỡng Lộc Phát;
+ Dự án Sân bay Lộc Phát;
+ Dự án Tổ hợp dịch vụ - khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (tại khu vực chợ Bảo Lộc cũ);
+ Dự án Khu tổ hợp dịch vụ - du lịch sinh thái - sân gofl - cáp treo núi S’pung;
+ Dự án Bệnh viện chất lượng cao tại cơ sở cũ của Bệnh viện II Lâm Đồng: Thu hút đầu tư thực hiện các định hướng về xây dựng Bệnh viên đa khoa quốc tế và khu điều dưỡng cao cấp, Trung tâm chuẩn đoán y học kỹ thuật cao, Trung tâm y học hạt nhân và xạ trị khu vực Tây nguyên.
TP. Bảo Lộc là địa phương còn nhiều dư địa để phát triển (Ảnh: ST)
Ông Nguyễn Văn Triệu cho biết thêm, theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg, ngày 27/12/2018, Bảo Lộc được định hướng xây dựng trở thành đô thị loại II trước năm 2025, tiệm cận tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040.
“Bảo Lộc sẽ là đô thị chức năng khu vực, trung tâm dịch vụ, công nghiệp phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, có hạ tầng đô thị đồng bộ là một trong những đầu mối giao thương với các vùng kinh tế quốc gia, như: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Tây nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung bộ; là đầu mối giao thông về đường bộ và kết nối với đường hàng không của vùng và quốc gia; trở thành trung tâm nghỉ dưỡng, kết nối với Đà Lạt - điểm du lịch trung tâm của tỉnh và các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh...”, ông Triệu liệt kê một số định hướng phát triển đã được Thủ tướng phê duyệt.
Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được triển khai, Bảo Lộc sẽ có thêm nhiều động lực để phát triển (Ảnh: ST)
“Để Bảo Lộc có thể phát triển xứng tầm theo quy hoạch, Đảng bộ và nhân dân thành phố kiến nghị với Trung ương, tạo điều kiện để thành phố triển khai các nhiệm vụ quy hoạch mở rộng không gian theo lộ trình đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng có diện tích 597,71 km2, dân số đến năm 2030 có 257.900 người, năm 2040 có 320.000 người”, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc nêu.
Bên cạnh đó, cũng kiến nghị Trung ương quan tâm, tạo điều kiện để thành phố có thể tiếp cận được các nguồn vốn ODA để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đô thị, nhất là các dự án về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải (hiện đang gặp khó khăn về thủ tục); phát triển về giao thông kết nối với các vùng lân cận, như: Đầu tư xây dựng Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; đầu tư nâng cấp, mở rộng QL55 nối với tỉnh Bình Thuận, gắn với nâng cấp tuyến đường nối Bảo Lộc với tỉnh Đắk Nông (tuyến qua Lộc Bắc - Bảo Lâm - Lâm Đồng nối với QL28 tại Quảng Khê - Đắk Glong của tỉnh Đắk Nông).
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Chấp hàng Đảng bộ TP. Bảo Lộc (Ảnh: Báo Lâm Đồng)
“Địa phương cũng kiến nghị Trung ương quan tâm, tạo điều kiện để thành phố thu hút được các nhà đầu tư thực sự có năng lực, có tâm, có tầm, để triển khai các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng lớn trên địa bàn, kết nối với vùng - điểm du lịch quốc gia Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang, TP.HCM…”, ông Triệu, nhấn mạnh.
Sau khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của địa phương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã ghi nhận, chúc mừng, đánh giá cao những thành tựu mà Bảo Lộc đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tin tưởng trong năm 2020 và những năm tiếp theo thành phố sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc hơn nữa. Với các đề xuất của Bảo Lộc, Phó Chủ tịch nước ghi nhận và sẽ đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét.
Đến nay, trên địa bàn TP. Bảo Lộc có 110 dự án đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 8.200 tỷ đồng và 46,4 triệu USD, với diện tích sử dụng đất gần 1.200 ha. Các dự án ngoài vốn ngân sách đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục,thể thao…, trong đó, có 71 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng; 30 dự ánthuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ; 09 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Hiện có 66 dự án đã hoàn thiện và đi vào hoạt động; 28 dự án đang triển khai thực hiện. Số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tăng thêm tăng bình quân 12,47%/năm; tổng số doanh nghiệp trên địa bàn 1.789 đơn vị (trong đó có 637 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - xây dựng, 1.076 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - thương mại và 76 doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp) và có trên 5.500 hộ kinh doanh cá thể. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp