TP. Bảo Lộc “dọn sẵn” hàng loạt dự án chào đón nhà đầu tư
Lâm Đồng: Giới thiệu gì để "hút" nhà đầu tư Hàn Quốc? / Hiệp hội DN tỉnh Lâm Đồng hướng tới sự thiết thực, hiệu quả và chuyên nghiệp
Lâu nay TP. Bảo Lộc được biết đến là thủ phủ của trà và tơ lụa với khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, cảnh quan thiên nhiên đẹp, vị trí địa lý, giao thông thuận lợi. Bên cạnh đó, nơi đây còn có lợi thế phát triển các loại hình: Thương mại – dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp công nghệ cao… Qua quá trình xây dựng và phát triển, Bảo Lộc đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghiệp, dịch vụ, du lịch quan trọng và là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc (Ảnh: TL)
Theo ông Nguyễn Văn Triệu, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc, mục tiêu trong thời gian tới là sẽ quy hoạch phát triển Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành đô thị loại II vào năm 2020, đạt yêu cầu là đô thị tỉnh lỵ; Tiếp tục xây dựng thành phố trở thành đô thị theo tiêu chuẩn loại I vào năm 2035, là đầu mối giao thông về đường bộ, kết nối với đường hàng không của vùng và quốc gia.
Bảo Lộc sẽ phát triển các Trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia, bao gồm: Thương mại – dịch vụ; Văn hóa – thể dục – thể thao; Nông nghiệp công nghệ cao; Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, còn có các Trung tâm công nghiệp phụ trợ, chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng, sản xuất vật liệu mới chế biến dược liệu, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ khai khoáng…
Thành phố Bảo Lộc nhìn từ trên cao (Ảnh: TL)
Mới đây, Bảo Lộc đã mạnh dạn đề xuất và được tỉnh Lâm Đồng thống nhất để tư vấn, định hướng cho nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào địa phương với hàng loạt dự án “khủng”, nhằm tạo điểm nhấn mang tính đột phá cho sự phát triển toàn diện của thành phố thứ 2 của tỉnh này.
“Thành phố đã chuẩn bị, đã “dọn sẵn” cho nhà đầu tư, trong đó hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, nước nôi đã được quy hoạch, đấu nối tới tận chân khu vực đề xuất dự án; nhà đầu tư chỉ việc nghiên cứu và đề xuất quy mô của dự án cho phù hợp để được phê duyệt và triển khai”, ông Triệu khẳng định.
Tuy mới được điều động, luân chuyển về làm Bí thư Bảo Lộc chưa đầy năm, nhưng vị Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng này đã thay mặt địa phương, cố gắng thuyết phục lãnh đạo tỉnh, để được chấp thuận đề xuất các dự án tầm cỡ, mang tính đột phá, để xây dựng quê hương.
Vị trí các dự án "khủng" TP. Bảo Lộc muốn giới thiệu đến nhà đầu tư (Ảnh: VH)
Ông Triệu kể, một số lần “vi hành” qua bệnh viện mới (Bệnh viện Đa khoa 2 tỉnh Lâm Đồng), tuy đã được đầu tư, xây dựng khang trang, sạch đẹp, nhưng quy mô và trang thiết bị vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh ở các huyện phía Nam của tỉnh và vùng lân cận. Do đó, ông đã mạnh dạn đề xuất tỉnh cho kêu gọi đầu tư vào khu đất của bệnh viện cũ (số 02 Đinh Tiên Hoàng, phường 1), để có thêm một bệnh viện chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Ông Triệu còn “khoe”, trước sự quyết tâm của thành phố, mới đây, trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, đích thân Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đã giúp Bảo Lộc giới thiệu, quảng bá 4 dự án lớn mà địa phương và bản thân ông rất tâm đắc và đã được rất nhiều nhà đầu tư “xứ sở Kim chi” quan tâm.
Bấm đốt ngón tay, ông Triệu kể vanh vách với tôi từng vị trí, số liệu của từng dự án. Vì theo ông, đó là tâm huyết rất lớn của ông cũng như chính quyền địa phương, với mong muốn được thấy Bảo Lộc “thay da đổi thịt”.
Dự án tổ hợp dịch vụ khách sạn 5 sao và Sân bay Lộc Phát (Ảnh: VH)
Với tay lấy tặng tôi cuốn “Cơ hội đầu tư thành phố Bảo Lộc “Đô thị sinh thái” bằng 2 thứ tiếng vừa được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng in ấn trang trọng, chi tiết, để phục vụ cho chuyến công tác của Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng tại Hàn Quốc vừa rồi, ông Triệu thuyết trình rành mạch về các dự án như thể đang thuyết phục các nhà đầu tư.
Chỉ tay về hướng Phường 1, ông kể về dự án “Tổ hợp dịch vụ khách sạn tiêu chuẩn 5 sao” tại khu đất hơn 10.000m2, nằm trên trục đường Lê Hồng Phong với mục tiêu phát triển thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, văn phòng cho thuê theo tiêu chuẩn 5 sao – điều đang còn thiếu ở thành phố đầy tiềm năng phát triển này.
“Hiện trạng khu đất này là đất trống, tỉnh đang giao cho thành phố quản lý, đã có cơ sở hạ tầng như giao thông, điện nước đến chân dự án. Chi phí đền bù hiện khoảng 6,6USD/m2; thuê đất, thuê mặt nước khoảng 11,5USD/m2/năm”, ông Bí thư giới thiệu.
Xa xa theo hướng chỉ của ông là Sân bay Lộc Phát (phường Lộc Phát). Đây là sân bay quân sự trước giải phóng, diện tích hiện hữu khoảng 100ha; trong đó, 50ha là đường băng. Bảo Lộc muốn đầu tư hình thành sân bay cấp 3C, đường cất hạ cánh 1.820x30m, để phục vụ bay thương mại và đặc biệt là kết hợp bay thể thao, dù lượn...
Bên cạnh đó là dự án “Sân golf Lộc Phát – Lộc Thắng” theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng tại phường Lộc Phát (TP. Bảo Lộc) và thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm), với diện tích 200ha. Đây là khu đất hoàn nguyên sau khai thác khoáng sản, đất ở, đất nông nghiệp; đã có hệ thống cơ sở hạ tầng đến ranh khu dự án.
Thêm 2 dự án "khủng" Bảo Lộc đang rất tâm đắc (Ảnh: VH)
Nhấp vội ngụm trà Oolong đặc sản xứ B’Lao lấy giọng, ông Triệu chỉ tay lên tấm bản đồ, hướng về địa phận xã Lộc Châu, xã Đại Lào, một khu vực rìa thành phố, được khoanh màu hồng đậm. Theo ông, đó là ý tưởng của dự án “Khu tổ hợp dịch vụ - du lịch sinh thái – sân golf – cáp treo núi Sapung”. Nơi đây sẽ hình thành khu du lịch sinh thái, kết hợp với các loại hình dịch vụ, khách sạn, cáp treo, sân golf với diện tích 300ha.
“Có thể nói đây là các dự án mà chúng tôi rất tâm đắc và gần như đã được “dọn sẵn”, chỉ chờ chọn được nhà đầu tư có tâm, có tầm và có đủ tiềm lực để "chọn mặt gửi vàng". Bảo Lộc không được nổi tiếng, không trữ tình hay mỹ miều như “xứ sở ngàn hoa” Đà Lạt. Nhưng nơi đây xứng đáng là “viên ngọc thô” đẹp đẽ, đang rất cần sự chung tay, góp sức quy hoạch, đầu tư, xây dựng một cách bài bản, để xứng tầm là thủ phủ của tỉnh Lâm Đồng trong tương lai”, ông Triệu chia sẻ.
TP. Bảo Lộc có diện tích tự nhiên 232,6km2, dân số khoảng 160.000 người, nằm phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, trên cao nguyên Di Linh với độ cao trung bình khoảng 900m; cách TP. Đà Lạt 110km, TP.HCM 190km, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) 130km. Có kết nối thuận lợi với Cảng hàng không Liên Khương và các trục giao thông quan trọng như cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, QL20, QL55; kết nối với vùng kinh tế động lực quốc gia và với các đô thị lớn khu vực Đông Nam Á trong bán kính 1-3 giờ bay. Bảo Lộc phấn đấu tăng trưởng kinh tế trung bình 10-12%/năm; cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản đạt 13%; công nghiệp – xây dựng 41%; dịch vụ 46%; GDP bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 12.000 tỷ đồng… |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu