Tìm giải pháp phát triển bền vững Trà và Tơ lụa Bảo Lộc
'Xắn tay áo' cùng sự phát triển của Bảo Lộc / Đánh thức tiềm năng du lịch Bảo Lộc
Hội thảo do UBND TP. Bảo Lộc chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Chè Việt Nam, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức, sẽ diễn ra lúc 8 giờ ngày 22/12, tại Phân hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng (đường Nguyễn Tuân, Phường Lộc Tiến, TP. Bảo Lộc).
Thương hiệu tập thể Trà B'Lao của Bảo Lộc đang từng bước khẳng định mình trên thị trường trong và ngoài nước (Ảnh: KP)
Tham dự Hội thảo, ngoài đại diện lãnh đạo tỉnh, thành phố, các sở, ban, ngành, Hiệp hội, Câu lạc bộliên quan, còn có sự tham gia quan trọng của nhiều nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đang kinh doanh, sản xuất trong ngành trà và lụa tơ tằm trong và ngoài tỉnh...
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, khách mời sẽ trình bày các bài tham luận xoay quanh về tiềm năng, thế mạnh, cũng như những thách thức, khó khăn của ngành trà và dâu tằm tơ của TP. Bảo Lộc nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung và rộng hơn là của Ngành Trà và Dâu tằm tơ Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Qua đó nhà quản lý, nhà khoa học - chuyên gia, nhà nông và doanh nghiệp sẽ bàn bạc, thảo luận, nhằm tìm ra các giải pháp, định hướng phát triển bền vững ngành Trà và Tơ lụa nói chung và đặc biệt là phát triển thương hiệu “Trà B’lao” và “Tơ lụa Bảo Lộc”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Ban Tổ chức, hiện công tác chuẩn bị cho Hội thảo quan trọng này đã và đang được triển khai kịp thời và đồng bộ. Trong đó, Phòng Kinh tế TP. Bảo Lộc đang tiến hành rà soát các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh trà và tơ lụa trong và ngoài tỉnh để đưa vào thành phần tham dự...
Bên cạnh đó còn tiến hành chọn lọc, đề xuất các thành viên tham gia Hội thảo, chuẩn bị nội dung tham gia phát biểu tham luận trình bày các giải pháp, định hướng phát triển bền vững ngành trà B’lao và Tơ lụa Bảo Lộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội thành phố...
Tơ lụa Bảo Lộc không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã vươn ra thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông... (Ảnh: Võ Đình Quýt)
Theo UBND TP. Bảo Lộc, ngành Trà Bảo Lộc, tuy diện tích có giảm so với trước đây (hiện có khoảng hơn 7.500 ha), nhưng năng suất và chất lượng sản phẩm được tăng lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đến nay, trên địa bàn có 80 doanh nghiệp và trên 100 cơ sở sản xuất, chế biến trà với nhiều nhà máy sản xuất chè lớn, như: Công ty TNHH Chè Đặng Gia, Công ty TNHH Tâm Châu, DNTN Phương Nam, DNTN Thiện Phương...; sản lượng khoảng 25.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 14,5 triệu USD.
Sau rất nhiều nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng và TP. Bảo Lộc, năm 2009, thương hiệu “Trà B’Lao” chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Đến nay, TP. Bảo Lộc đã cấp quyền sử dụng thương hiệu “Trà B’Lao” cho hàng chục doanh nghiệp trà trên địa bàn Bảo Lộc và Bảo Lâm.
Trong khi đó, hiện nay, diện tích trồng dâu tằm của Bảo Lộc khoảng 600ha, có 30 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tơ lụa. Trong đó có 11 doanh nghiệp dệt lụa tơ tằm, 9 doanh nghiệp ươm tơ, 4 doanh nghiệp cung ứng giống... Hàng năm, sản lượng sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ, khoảng 3,5 triệu m2 lụa các loại. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã vươn ra thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông...
Năm 2017, thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm: Sợi tơ tằm, vải lụa tơ tằm. Đến nay, UBND TP. Bảo Lộc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” cho 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo