Thị trường

Vì sao doanh nghiệp gắn việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ CO là "con ốm"?

DNVN - Không phủ nhận giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO) là nội dung rất quan trọng khi xuất khẩu hàng hóa, nhất là khi Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực, nhưng cảm xúc của nhiều doanh nghiệp (DN) khi nhắc đến hai từ "CO" lại là: rất vất vả, thực sự khó khăn, thậm chí có DN còn gắn với từ... "con ốm"!

EVFTA mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam đầu tư / EVFTA không phải là con đường trải đầy "hoa hồng"

Tại Hội nghị "Tận dụng hiệu quả EVFTA - Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19" do Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, một trong những chủ đề được các khách mời và doanh nghiệp tham dự sự kiện quan tâm nhiều đó là việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ CO.
DN chờ 2 tháng rưỡi mới được cấp CO
Nhà tư vấn đầu tư Nguyễn Hồng Khoái khẳng định, DN vất vả nhất về CO là các DN chế biến lâm sản. Đối tác nước ngoài không chỉ kiểm tra chất lượng hàng hóa mà còn kiểm tra xem DN đó có đóng BHXH đủ cho công nhân hay không. Các DN phải vượt rừng vượt núi để ký hợp đồng trồng rừng mà hợp đồng không thực hiện được, không được cấp giấy CO.
Đồng quan điểm, đại diện một DN xuất khẩu đồ gỗ cho biết, CO đúng là mảng khó khăn nhất đối với DN này.
"DN của tôi bắt đầu XK từ năm 2018 sang Mỹ, Trung Đông, châu Phi, một số nước châu Á. Tất cả những thị trường này, DN đều phải làm CO qua VCCI và Bộ Công Thương. Và thực tế DN gặp khó khăn khi làm CO với VCCI bởi khi làm việc với VCCI, có những CO phải mất 2 tháng rưỡi mới được cấp. Trong khi đó, thời gian đi từ Việt Nam sang Mỹ mất khoảng 40 - 48 ngày, thậm chí có những lô hàng DN lỗ toàn bộ do không lấy được CO, không thông quan được hàng hóa ở bên kia", đại diện DN trải lòng.

Theo đại diện DN này, những CO khác lấy ở Bộ Công Thương thì rất dễ dàng, trong khoảng 2 - 3 ngày kể từ khi nộp hồ sơ là DN có thể nhận được CO. Tuy nhiên, những bộ hồ sơ nộp cho VCCI xin cấp CO thì cực kỳ khó khăn.
Cũng theo DN này, hiện DN đang xúc tiến XK sang thị trường châu Âu đối với gỗ dán mặt sản phẩm nội thất đồ bếp. Tuy nhiên, liên quan đến việc giấy chứng nhận xuất xứ, DN rất khó khăn để được nhận CO. DN đã nghiên cứu rất nhiều khi Việt Nam tham gia EVFTA với việc được hưởng lợi nhiều về thuế quan. DN bày tỏ trăn trở và thắc mắc liệu VCCI và Bộ Công Thương có hỗ trợ công đoạn này hay không để DN có thêm cơ hội XK?
Cùng chung trăn trở về CO, ông Nguyễn Tương - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam chia sẻ, một trong những vướng mắc lớn nhất của cộng đồng DN logistics là CO.
"Chúng tôi thường nói CO là con ốm. Con ốm thì bố mẹ sợ. Chúng tôi làm cho DN xuất nhập khẩu, không lấy được CO thì coi như không có tiền. Không có tiền thì không chữa bệnh cho con được. Mong muốn của các DN thuộc Hiệp hội Logistics Việt Nam là có CO điện tử. Hiện Bộ Công Thương cũng đang tiến hành", ông Nguyễn Tương nói.
Đối với CPTPP và EVFTA, theo ông Nguyễn Tương, một trong những điểm mấu chốt nhất là CO. Nếu không giải quyết được CO thì các DN dệt may, da giầy - những ngành đòi hỏi xuất xứ - gặp nhiều khó khăn. Do đó, ông cho rằng, vấn đề CO phải giải quyết trước tiên, ngoài những vấn đề khác mà DN gặp phải.
Ở một góc độ khác, ông Trần Việt Cường - TGĐ Công ty Cacao Đồng Nai cho biết, đối với hàng hóa có nguồn gốc thực sự Việt Nam nhưng vẫn gặp khó khăn trong việc chứng minh. Vì vậy, thứ nhất Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân và nhà sản xuất. Thứ hai, Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi cho những người sản xuất nhanh chóng tiếp cận thị trường lớn như châu Âu khi EVFTA có hiệu lực.
"Cụ thể từ khâu sản xuất, thu mua, sơ chế bảo quản và đến tay người tiêu dùng. Tất cả các khâu phải đồng bộ. Một số khó khăn của DN chúng tôi là không chứng minh được có bao nhiêu lượng hàng dẫn đến bị cạnh tranh bởi thị trường Indonesia, Philippines, khiến chúng tôi mất lợi thế. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước nên áp dụng có thể là bằng tem hay mã vạch... từng khâu một để có truy xuất nguồn gốc thật chuẩn và minh bạch, từ đó tạo điều kiện cho DN tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại", ông Trần Việt Cường đề xuất.
"Thanh minh" về CO từ cơ quan quản lý
Chia sẻ với nhưng phản ánh từ cộng đồng DN về xuất xứ hàng hóa, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, đối với các từ khóa như "vất vả, khó khăn, hay con ốm" mà các DN nêu ở trên, bà bổ sung thêm từ "quan trọng".
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, nói đến Giấy chứng nhận xuất xứ CO tức là nói đến sự khác biệt của hàng hóa trong nội khối với hàng hóa ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan trong một hiệp định thì DN phải chứng minh được hàng hóa của có xuất xứ - nghĩa là phải đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ quy định trong hiệp định.
"Nhiều khi khó khăn không phải là câu chuyện cấp giấy chứng nhận đó mà do nguồn nguyên liệu DN sử dụng không phải là nguyên liệu nội khối, DN không đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ", Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu lý giải.
Liên quan đến quy tắc xuất xứ trong hiệp định EVFTA, bà Nguyễn Cẩm Trang cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành Thông tư hôm 15/6/2020 - đúng 1 tuần sau khi Quốc hội phê chuẩn hiệp định EVFTA.
"Chúng tôi nghĩ rằng đây là văn bản nội luật hóa cam kết sớm nhất mà chúng ta ban hành để thực thi EVFTA. Điều này cho thấy, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của thông tư có từ sớm về quy tắc xuất để DN và các tổ chức, cơ quan có cơ sở pháp lý thực hiện hiệp định ngay sau khi hiệp định có hiệu lực", bà Nguyễn Cẩm Trang nói.
Trong khi đó, chia sẻ với những vướng mắc mà DN đề cập về CO, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cam kết, Tổng cục Hải quan ₫ sẵn sàng phối hợp với Bộ Công Thương và VCCI chia sẻ những số liệu, kinh nghiệm, và đặc biệt đánh giá của Tổng cục Hải quan về xếp hạng DN để VCCI căn cứ vào đó có thể rút ngắn thời gian cấp CO cho DN.
"Chúng tôi tin tưởng rằng cơ quan hải quan hiện nay đang áp dụng quản lý rủi ro và cũng thông quan rất nhanh cho những DN có tuân thủ cao. Bởi vậy, hi vọng rằng việc cấp CO các DN cũng sẽ hưởng chế độ quản lý rủi ro. Và trong hiệp định EVFTA, các DN sẽ xin cấp CO và sau này là tự chứng nhận cũng cần phải mang đầy đủ tính minh bạch và tuân thủ trong cấp CO", ông Mai Xuân Thành cho hay.
“Đối với C.O điện tử, hiện nay mới chỉ áp dụng với một số thủ tục với ASEAN. Đối với Hiệp định EVFTA, Bộ Công thương cũng đang Tổng Cục hải quan tính tới việc sử dụng C.O điện tử với EU”, ông Thành cho biết thêm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm