Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc
DNVN - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững” đã diễn ra sáng 10/01/2020 tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì sự kiện.
Sản xuất sạch để đưa nhãn xuất ngoại / Phép thử với ngành hàng đồ uống
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vừa trải qua một năm 2019 đầy biến động với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
"Đạt được kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2020 - một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Bởi đây là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030", người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại VBF 2019. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhận thức sâu sắc bối cảnh cũng như vận hội mới, sau hơn 30 năm thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Bộ Chính trị về FDI, trong đó xác định rõ quan điểm chỉ đạo, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
"Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Trong việc hoạch định chính sách và việc thực thi, Việt Nam luôn coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và luôn cập nhật các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, Việt Nam đã thực sự coi FDI là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI là những đội quân chủ lực của nền kinh tế. Khi cả ba loại hình doanh nghiệp này phát triển và bổ sung và hỗ trợ tốt cho nhau, nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh, bền vững.
Sau phần phát biểu khai mạc của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Anh, đã đưa ra một loạt kiến nghị, đề xuất nhằm thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nhà đầu tư, các tập đoàn đa quốc gia đang cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên kỳ này có 3 phiên thảo luận chính về cơ chế điều tiết cho sự bền vững của các nhóm công tác như đầu tư - thương mại, du lịch, thuế và hải quan; phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của các nhóm công tác về nông nghiệp, điện và năng lượng; hạ tầng cơ sở cho sự đổi mới với sự tham gia của các nhóm công tác về thị trường vốn và ngân hàng, cơ sở hạ tầng, nguồn lực và giáo dục - đào tạo.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo