Việt Nam sẽ đón lượng lớn nguồn cung văn phòng mới
Việt Nam sớm tham gia Hiệp định Trợ cấp thủy sản / Xuất khẩu rau quả: Tín hiệu tốt hướng tới mục tiêu 6,5 tỷ USD
Đây là nhận định được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng thị trường văn phòng châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 vừa được Công ty Dịch vụ bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield công bố.
Cụ thể, tại thị trường Hà Nội dự kiến đón tổng cộng khoảng 80.700 m2 nguồn cung mới trong 2024, chủ yếu nằm ở các quận xung quanh khu vực trung tâm thành phố. Ngoài ra, khoảng 100.000 m2 văn phòng hạng A mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2024–2027.
Trong khi đó tại TPHồ Chí Minh, nguồn cung hạng A mới dự kiến tại khu vực trung tâm thành phố (Quận 1) vào năm 2024–2025 nằm ở 3 dự án, đóng góp tổng cộng 118.700 m2 diện tích văn phòng cao cấp cho thị trường. Khoảng 81.000 m2 nguồn cung hạng A bổ sung cũng được dự kiến hoàn thành từ khu vực ngoài trung tâm trong giai đoạn 2024–2026.
Theo Cushman & Wakefield, bất ổn kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến nhu cầu văn phòng nói chung ở TPHồ Chí Minh khi khách thuê ngày càng quan tâm hơn đến chi phí. Tỷ lệ hấp thụ sẽ tăng dần từ năm 2024, nhờ nguồn cung mới chất lượng cao hơn và điều kiện kinh tế được cải thiện. Tỷ lệ trống văn phòng dự kiến trên 20% trong suốt giai đoạn 2023–2026, do đón nguồn cung mới liên tục.
Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Giám đốc Cho thuê Thương mại của Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định, nguồn cung mới từ Khu đô thị mới Thủ Thiêm (liền kề khu trung tâm thành phố) đánh dấu một bước tiến quan trọng để khu vực này thực sự trở thành ‘cánh tay nối dài’ với khu vực trung tâm thành phố hiện tại. Khu vực Quận 7 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ vươn lên trở thành trung tâm thương mại và kinh doanh mới của thành phố nhờ nằm ngay gần khu vực trung tâm thành phố hiện tại với giá thuê cạnh tranh, các dự án mới với công nghệ tiên tiến, quỹ đất dồi dào cho các dự án phát triển mới và cơ sở hạ tầng được cải thiện liên tục.
Tại Hà Nội, nhu cầu thị trường mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2023, tuy nhiên, nhu cầu đã chậm lại vào nửa cuối năm 2023 và dự kiến sẽ duy trì ở mức thấp trong suốt năm 2024. Tỷ lệ trống dự kiến sẽ ở mức 25–30% vào năm 2023–2024 và sau đó giảm dần xuống khoảng 20,5% vào năm 2027. Với nguồn cung mới dồi dào trên khắp Hà Nội, thị trường dự kiến sẽ thuận lợi cho khách thuê trong thời gian tới. Trung bình, tổng nguồn cung của Hà Nội được dự báo sẽ tăng trưởng 3,5% mỗi năm trong giai đoạn 2023-2027.
Đối với nhiều dự án phát triển văn phòng mới gần đây, xu hướng chủ nhà tập trung đầu tư vào tính bền vững và các yếu tố xanh trong tòa nhà đang trở nên rõ ràng hơn, phản ánh xu hướng đang diễn ra ở các thị trường khác trên toàn cầu, đặc biệt là châu Âu và Hoa Kỳ.
Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc cho biết, theo ghi nhận của Cushman & Wakefield, có 21 tòa nhà được cấp chứng chỉ LEED/BCA Green Mark tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai tiêu chuẩn chất lượng công trình hàng đầu được công nhận trên toàn cầu. Hầu hết các dự án trên thị trường Việt Nam, mới và đang hoạt động, đều đang theo đuổi hoặc đã đạt được chứng chỉ ESG (môi trường, xã hội, quản trị), nhấn mạnh sự thay đổi trong mức độ quan tâm đến sự phát triển bền vững trong thời gian gần đây. Điều này có nghĩa là có hàng trăm tòa nhà hiện hữu sẽ chịu áp lực phải cải tạo để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt nếu họ muốn thu hút khách thuê là các doanh nghiệp đa quốc gia lớn.
Phân tích thêm về xu hướng này, bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp toàn cầu đang thực hiện các cam kết Net Zero, vì vậy, bất động sản có tích hợp yếu tố ESG sẽ là điểm quan trọng giúp đáp ứng mục tiêu của họ. Lấy ví dụ một công ty dịch vụ công nghệ, ngân hàng hay công ty bảo hiểm – thì có tới 80 hoặc 90% lượng khí thải carbon của họ có thể đến từ bất động sản. Đây là một phần lý do tại sao chúng tôi nhận thấy khách thuê đang dần chuyển ưu tiên từ tập trung vào vị trí, giá thuê và tiện nghi sang những gì tòa nhà có thể cung cấp nhằm giúp họ đạt được mục tiêu bền vững.
Theo Cushman & Wakefield, nhu cầu về văn phòng hạng A trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024, nhưng lượng nguồn cung mới kỷ lục sẽ khiến tỷ lệ trống cũng tăng lên. Khoảng một nửa trong số 25 thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ có tỷ lệ trống tăng trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2027.
Tỷ lệ trống tăng lớn nhất được dự báo ở Quảng Châu (Trung Quốc) lên gần 30% vào năm 2027 từ 20% vào năm 2023 và Thâm Quyến (Trung Quốc) lên gần 35% vào năm 2027, từ mức 27% vào năm 2023. Các thành phố Hyderabad (Ấn Độ), Kuala Lumpur (Malaysia) và Bangkok (Thái Lan) cũng được dự báo sẽ vượt quá tỷ lệ trống 25% vào năm 2027. Singapore và Seoul (Hàn Quốc) đều dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ trống dưới 5%; trong khi Tokyo (Nhật Bản) và Manila (Philippines) được dự báo dưới 7% cho đến năm 2027. Các thị trường trọng điểm của Australia có thể sẽ giảm nhưng vẫn ổn định ở mức khoảng 10%.
Phân tích bối cảnh kinh tế tác động đến thị trường văn phòng, Tiến sĩ Brown, Trường phòng nghiên cứu Cushman & Wakefield toàn cầu cho biết, lạm phát mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức cao ở hầu hết các nền kinh tế trên khắp Châu Á Thái Bình Dương. Thương mại đã chậm lại khi các doanh nghiệp và hộ gia đình đều hạn chế chi tiêu để ứng phó với việc lãi suất tăng. Về mặt tích cực, châu Á - Thái Bình Dương được dự báo đạt mức tăng trưởng từ 3,5 đến 4% vào năm 2024, tuy thấp hơn so với dự báo trước đó nhưng vẫn tốt hơn cả khu vực đồng Euro, nơi được dự báo tăng trưởng 0,9% vào năm tới và Hoa Kỳ dự kiến - 0,3%.
“Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự báo tăng trưởng rất đa dạng. Các thị trường mới nổi Việt Nam, Philippines, Ấn Độ và Malaysia có thể được hưởng lợi từ mức tiêu dùng nội địa mạnh mẽ và đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng, trong khi tiềm năng phục hồi du lịch, vẫn thấp hơn 25% so với mức trước đại dịch ở châu Á - Thái Bình Dương”, Tiến sĩ Brown phân tích thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo