Việt Nam vẫn có thể xuất siêu trong năm nay
DNVN - Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong 3 tháng cuối năm, nếu không có biến động quá lớn về dịch bệnh, dịch bệnh được kiểm soát tốt, chúng ta hoàn toàn tin tưởng kết thúc năm 2021 cán cân thương mại được duy trì ở mức cân bằng. Và tình hình lạc quan hơn thì có thể đạt xuất siêu ở mức độ nhất định.
Cục Hàng không "tuýt còi" các hãng bán vé máy bay nội địa / VN-Index hồi phục, cổ phiếu họ dầu khí tăng trần
Tại cuộc họp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/9, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4 đến nay đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.
"Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kết quả xuất khẩu này cho thấy sự nỗ lực lớn của các ngành, các địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp", ông Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.
Việt Nam vẫn có thể xuất siêu trong năm 2021 nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay. (Ảnh: VGP)
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2021 ước đạt 26,5 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 ước xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước nhập siêu 2,13 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,66 tỷ USD).
Trao đổi với báo chí về khả năng cân bằng cán cân thương mại năm 2021, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu gắn chặt với hoạt động sản xuất, bao gồm sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản.
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong quý II và quý III năm nay đã tác động trực tiếp đến các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang, các tỉnh, thành phía Nam bao gồm TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Long An và 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long.
"Riêng 19 tỉnh, thành phía Nam đã tương đương 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong khi đó, các địa phương này vừa qua chịu tác động to lớn của dịch bệnh và việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và 16+ đã có những tác động nghiêm trọng, qua đó ảnh hưởng nhất định đến hoạt động xuất khẩu", ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, sau một thời gian, đến tháng 6 và tháng 7 - thời điểm tác động của dịch bệnh bị ảnh hưởng sâu, nhập siêu đã qua trở lại và nhập siêu ở mức khá là lớn với hơn 2 tỷ USD. Dù vậy, đến tháng 8/2021, con số nhập siêu chỉ còn hơn 100 triệu USD. Và ước tính trong tháng 9, cán cân thương mại quay trở lại xuất siêu khoảng 500 triệu USD.
Hiện tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đang ở mức tăng 18,8%. Đây cũng là một con số khá lớn. Tất nhiên, hiện tốc độ tăng trưởng nhập khẩu vẫn lớn hơn và ở con số 30%. Tính chung cả 9 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 2,13 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu khoảng 0,8%. Do vậy đây không phải là khoảng cách quá lớn.
"Trong 3 tháng tới, nếu không có biến động quá lớn về dịch bệnh, dịch bệnh được kiểm soát tốt như hiện nay, quý cuối cùng trong năm sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam lấy lại đà phục hồi và tăng trưởng. Khi đó, chúng ta hoàn toàn tin tưởng kết thúc năm 2021 cán cân thương mại được duy trì ở mức cân bằng, và nếu như tình hình lạc quan hơn thì sẽ đạt xuất siêu ở một mức độ nhất định", ông Hải nhìn nhận.
Từ nay đến cuối năm, để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩudo ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tập trung vào những hàng hóa, nông sản đang vào mùa vụ...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo