VN-Index duy trì đà tăng nhờ lực đẩy từ cổ phiếu vốn hóa lớn
Chứng khoán tuần từ 13-17/9: Lưu ý biến động khi các quỹ ETF cơ cấu danh mục / Chứng khoán tuần 20-24/9: Thị trường có cơ hội lập lại đỉnh tháng 8
Về cuối phiên, với sự nâng đỡ của các cổ phiếu như GAS, VPB, PLX, HPG... và VIC không còn giao dịch quá tiêu cực nên VN-Index vẫn đóng cửa trong sắc xanh. Chốt phiên, VIC được kéo lên đứng ở mức tham chiếu 92.600 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,83 điểm (0,2%) lên 1.395,53 điểm. HNX-Index tăng 0,04 điểm (0,01%) lên 384,88 điểm. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%) xuống 99,37 điểm.
Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường phiên này đạt 27.509 tỷ đồng, tăng 9,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 9,5% lên mức 22.454 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng hơn 600 tỷ đồng trên HoSE.
Trong phiên hôm nay, có thể thấy rằng nhờ lực đẩy từ cổ phiếu vốn hóa lớn là GAS, VN-Index chinh phục được mốc 1.400 điểm. Tại thời điểm này, VN39-Index tăng 7 điểm lên gần 1.512 điểm.
GAS (+4,02%) đã đóng góp tích cực nhất cho đà tăng của chỉ số với 2,31 điểm tăng, đứng tiếp theo là VPB (+2,4%) góp 1,05 điểm. Trong khi đó, ngược lại CTG lại đóng góp 0,55 điểm giảm cho chỉ số VN-Index.
Sự bứt phá đầy mạnh mẽ của GAS giúp ngành dầu khí có mức tăng ấn tượng. Hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh như PVS đang tiến sâu vào vùng đỉnh tháng 6/2021, PVD chuẩn bị phá vỡ vùng đỉnh tháng 3/2021, BSR tiếp tục bay cao và hướng về đỉnh lịch sử tháng 2/2018, PVT cũng có diễn biến giống với BSR khi đang tiến nhanh về vùng đỉnh lịch sử tháng 12/2007…
Top cổ phiếu ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường chứng khoán có thể duy trì đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.400 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp cho thấy các nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc và thị trường sẽ chưa thể giảm mạnh trong giai đoạn này. Ngoài ra, áp lực bán tại các mức giá cao đã có dấu hiệu hạ nhiệt cho thấy chỉ số VN30 có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.512 điểm.
Chuyên gia của YSVN khuyến nghị, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng các nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.
Bên cạnh đó, theo đồ thị tuần, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức trung tính. Đồng thời, YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ sớm kết thúc giai đoạn đi ngang vào tuần giao dịch 18 - 22/10/2021. Do đó, chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu.
Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, chỉ số đã có 4 phiên tích lũy và chưa thể tăng vượt 1.400 điểm, ngoài ra lực bán liên tục gia tăng ở vùng giá cao, tạo áp lực giảm cho thị trường lớn dần. Về khung đồ thị tuần, VN-Index tiếp tục một cây nến tăng giá thứ hai đi kèm khối lượng tăng dần, vẫn chưa có tín hiệu quá tiêu cực. Xu hướng tăng giá của thị trường dự báo vẫn có thể tiếp tục khi nhóm ngành dẫn dắt trung hạn của thị trường như ngân hàng, thép và chứng khoán vẫn đang đỡ chỉ số khá tích cực. Trong tuần này, nếu các nhóm ngành trên có tín hiệu suy yếu, nhà đầu tư phải rất cẩn trọng vì VN-Index có xu hướng chiết khấu về vùng giá hấp dẫn hơn để thu hút lực cầu trở lại.
“Chúng tôi đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index vẫn đang có mốc kháng cự ngắn hạn ở quanh 1.400 điểm và kỳ vọng sẽ sớm vượt qua”, chuyên gia TVSI nhận định.
Còn theo Công ty chứng khoán BSC, VN-Index đã có tuần tăng điểm tích cực với mức tăng 1,45%. Dòng tiền vẫn duy trì tại các cổ phiếu lớn ngành Ngân hàng, VLXD, Hóa chất hỗ trợ chỉ số áp sát ngưỡng tâm lý 1.400 điểm. Vận động luân chuyển tại các cổ phiếu lớn giúp VN-Index áp sát 1.400 điểm, phân hóa mạnh sẽ sớm diễn ra cùng với mùa công bố KQKD quý 3. Mức độ phân hóa của thị trường dự báo lớn hơn trong tuần tới khi các doanh nghiệp công bố KQKD quý 3.
Tính đến ngày 15/10, 26 công ty niêm yết trên 2 sàn (tỷ lệ 3.4%) công bố KQKD quý III với LNST sụt 39.6% so với cùng kỳ. Các cổ phiếu đã công bố phần lớn là cổ phiếu vừa và nhỏ. Cổ phiếu có mức sụt giảm LNST mạnh nhất so cùng kỳ gồm PPC (-125 tỷ) và BAX (-114 tỷ). Hoạt động công bố KQKD sẽ tập trung trong 2 tuần tới.
Bức tranh lợi nhuận sau thuế sẽ có nhiều thay đổi nhưng nhìn chung KQKD sụt giảm hiện tại cũng phản ánh phần nào mức độ khó khăn của nền kinh tế và doanh nghiệp trong thời gian giãn cách kéo dài. Thị trường vẫn đang vận động trong biên độ hẹp và có thể sẽ xác định rõ xu hướng hơn vào tuần này với thông tin hỗ trợ từ gói kích thích kinh tế, khả năng được công bố trong khuôn khổ kỳ họp quốc hội bắt đầu từ ngày 20/10.
End of content
Không có tin nào tiếp theo