Vụ 22.000 lon sữa đồng bào Úc viện trợ chống dịch: Lỗi do ai mà sao gần 1 tháng chưa lấy ra được?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Kéo dài giá FIT điện gió là không hợp lý / Hiệp định thương mại tự do giữa khối EFTA và Indonesia chính thức có hiệu lực
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh đang thực hiện thủ tục tiếp nhận viện trợ 22.362 lon sữa công thức Nutrico Optimum dành cho trẻ em từ 1 đến 36 tháng tuổi, sản xuất và nhập khẩu tại Úc.
Lô hàng viện trợ sữa bột đã đến cửa khẩu cảng Cát Lái ngày 21/10/2021, tuy nhiên đến nay Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh chưa nộp hồ sơ để đăng ký tờ khai nhập khẩu lô hàng.
Ngày 9/11/2021, Tổng cục Hải quan đã có văn bản khẩn trả lời Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh liên quan đến vụ 22.000 lon sữa nhập khẩu viện trợ. Theo đó, Tổng cục Hải quan cho biết theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên để tạo thuận lợi, Tổng cục Hải quan cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan.
Trả lời Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh về việc vướng mắc thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa viện trợ, Tổng cục Hải quan cho biết, theo trình bày và tài liệu gửi kèm công văn thì lô hàng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi do nhóm thân hữu Sydney và Công ty sữa Nutrico (quốc tịch Úc) viện trợ cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là hàng hóa do nước ngoài viện trợ phi dự án cho Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thì hàng hóa viện trợ không thuộc trường hợp miễn kiểm tra an toàn thực phẩm.
Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh trao đổi, báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh và Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 2055/ATTP KN ngày 1/11/2021 của Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đối với lô hàng viện trợ là sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.
Trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với lô hàng, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh chỉ đạo cho phép đưa hàng hóa về bảo quản trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan theo quy định hiện hành.
Tại phiên thảo luận ở Quốc hội sáng 9/11/2021, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế, 1 lô hàng 22.000 lon sữa từ Úc chuyển về ủng hộ người dân thành phố chống dịch, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trả lời đồng ý sau 2 ngày nhưng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại đề nghị hỏi Chính phủ. Lô hàng về nước đã 1 tháng nhưng không lấy ra được.
“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời, vậy tại sao không tham mưu luôn, nêu chính kiến của mình?” bà Châu cho biết và nhấn mạnh cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
"Hàng cứu trợ về gần 1 tháng chưa lấy ra được. Lỗi do ai?", bà Bích Châu đặt câu hỏi tại nghị trường.
Trả lời báo chí về sự việc này, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, Cục Thú y luôn thực hiện đúng yêu cầu, nguyên tắc của kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật với tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp. Theo đó, có những trường hợp kiểm tra có thể cấp giấy phép trên hệ thống điện tử, qua email.
Những sản phẩm sữa xuất phát từ các quốc gia đã được chứng minh đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ được chúng tôi tạo điều kiện tối đa nhất vì họ không chỉ có lô sữa ủng hộ trẻ em TP Hồ Chí Minh trong đại dịch mà còn nhiều lô sữa khác được nhập về từ quốc gia này phục vụ người tiêu dùng. Ngay sau khi Cục Thú y nhận được đề xuất của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh về việc cho phép nhập 22.000 lon sữa của đồng bào tại Australia ủng hộ bà con chống dịch, Cục đã có văn bản đồng ý ngay.
Sáng nay 10/11 Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, Cục đã có công văn hướng dẫn đúng thẩm quyền. Theo đó, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được công văn của Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét tạo điều kiện miễn thủ tục đăng ký công bố sản phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu với lô hàng này.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, ngay khi nhận được công văn, trong ngày 1/11 đã có công văn trả lời, theo khoản 9, điều 13 Nghị định 15/2018, các lô hàng nhập khẩu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và sẽ được miễn kiểm tra nhà nước với thực phẩm nhập khẩu, đề nghị Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh gửi công văn đề nghị Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến.
Ông Phong cho rằng trước khi Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh gửi văn bản cho Cục An toàn thực phẩm, ủy ban cũng đã có văn bản gửi Ban An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh và cũng đã được hướng dẫn. Sau đó Ủy ban gửi tiếp văn bản cho Cục, "chúng tôi đã trả lời ngay theo đúng thẩm quyền", ông Phong nói.
Về ý kiến cho rằng Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh gửi công văn cho Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và được trả lời ngay, ông Phong cho biết vấn đề Ủy ban hỏi Cục Thú y và Cục An toàn thực phẩm là khác nhau, hỏi Cục Thú y về miễn kiểm dịch động vật, điểm này trong Luật Thú y đã quy định và có thể trả lời ngay.
Còn vấn đề hỏi Cục An toàn thực phẩm, ông Phong cho rằng quy định hiện hành đã có, Cục không thể làm trái. Ngay việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm cũng rất đơn giản nếu phải kiểm tra, ví dụ như kiểm tra hạn sử dụng lô hàng, kiểm nghiệm xem độc tố có vượt ngưỡng, không có gì khó khăn phức tạp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024