Xóa rào cản để phát triển kinh tế tư nhân
Không phải ưu đãi, bao cấp hay bảo hộ mà là "cởi trói", trao quyền cho người dân tự sẽ phát huy được tác dụng trong huy động nguồn lực, sáng kiến, trí tuệ để phát triển...
Sau 1 thập kỷ, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng 'nhanh nhất thế giới' / Kinh tế Hàn Quốc sáng sủa hơn so với các nước thuộc nhóm "3050"
Cuộc trò chuyện cuối năm với ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) diễn ra trong bối cảnh kinh tế năm 2018 đạt được rất nhiều con số kỷ lục. Song vị chuyên gia kinh tế "nổi tiếng" với nhiều ý tưởng đổi mới cho rằng, kinh tế Việt Nam có thể đạt hơn thế nếu môi trường kinh doanh được cải thiện tốt hơn, ít rào cản hơn, khu vực tư nhân được tạo điều kiện phát triển hơn.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Đến giờ, sau 3 thập kỷ kinh tế tư nhân lần đầu tiên được thừa nhận vào năm 1988, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 27-HĐBT cho phép người dân được mở xí nghiệp tư doanh và chuyển hợp tác xã thành xí nghiệp tư nhân, chúng ta luôn đứng trước tình thế lưỡng lự giữa việc trao thêm quyền cho người kinh doanh hay tăng thêm quyền quản lý cho mình.
Thưa ông, từ thời điểm lần đầu tiên kinh tế tư nhân được thừa nhận, môi trường kinh doanh đã có bước chuyển như thế nào?
Năm 1988, Chính phủ ban hành Nghị định số 27-HĐBT cho phép người dân được mở xí nghiệp tư doanh và cho phép chuyển hợp tác xã thành xí nghiệp tư nhân. Hai năm sau đó, năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, đánh dấu thời điểm chính thức thừa nhận về mặt pháp lý đối với kinh tế tư nhân.
Sự thừa nhận này vừa xuất phát từ nhu cầu, vừa là sự so sánh khi Luật Đầu tư nước ngoài 1987 được ban hành. Câu hỏi tại sao chỉ chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài mà không thu hút đầu tư tư nhân trong nước được nêu lên rất nhiều lần. Vì vậy, sau đó Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994 được ban hành, hình thành khung khổ pháp luật ban đầu về tư nhân trong nước.
Ở giai đoạn 1991-1999, tư tưởng xuyên suốt của luật là người dân và doanh nghiệp được làm những gì Nhà nước cho phép. Tư tưởng này là bước tiến rất lớn, bởi trước kia, người dân và doanh nghiệp làm bất kể gì cũng phải xin phép, có cả giấy phép có tên lẫn không tên. Rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp phải làm đơn để trình ông chủ tịch tỉnh hay thậm chí là ông chủ tịch phường chỉ để được phê "đồng ý". Thời điểm này, mọi người đều nghĩ quy định như vậy là để bảo vệ người tiêu dùng. Thực chất, tư tưởng kiểu đó là tư tưởng bao cấp về tư duy.
Đó là sự chuyển biến ở giai đoạn 1991-1999. Với dấu mốc Luật Doanh nghiệp 1999, ông có nhận thấy sự thay đổi nào tiếp theo trong việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển?
Thật ra, tư tưởng kinh tế thị trường trước đây đã được "cài" vào khung tư duy kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Đến cuối những năm 90, trước yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân ngày càng trở nên rõ ràng, từ chỗ mới được thừa nhận về mặt pháp lý, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. Những cải cách mang tính thị trường, mở rộng quyền tự do kinh doanh bắt đầu rõ nét hơn.
Giai đoạn trước, thành lập doanh nghiệp phải mất từ 6 tháng tới 3 năm, thông qua 42 cửa hay con dấu chính thức, chưa kể rất nhiều lần bút phê đồng ý hay chuyển cơ quan thẩm quyền khác xem xét, chi phí doanh nghiệp bỏ ra lên tới hàng nghìn USD. Đây là con số rất lớn so với năng lực tài chính của doanh nghiệp những năm 90. Đấy là chưa kể không phải ai cũng thành lập được doanh nghiệp.
Đến Luật Doanh nghiệp 1999, tư tưởng của luật tiếp tục có sự thay đổi căn bản. Từ chỗ người dân và doanh nghiệp chỉ được làm những gì cơ quan nhà nước cho phép đã chuyển sang người dân và doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Nhờ vậy, dư địa tự do kinh doanh được mở rộng, không gian Nhà nước thu hẹp lại. Từ đó, phong trào bãi bỏ giấy phép con, cháu được đẩy mạnh nhằm đảm bảo tự do, giảm chi phí, giảm rủi ro và an toàn trong kinh doanh.
Thời điểm đó, việc cắt bỏ giấy phép con, cháu như thế nào, thưa ông?
Một Tổ công tác thu thập tất cả các loại giấy phép con đã được thành lập. Trong tổng số hàng trăm giấy phép thu thập được thì có khoảng 200 giấy phép đã được bỏ. Đề phòng phát sinh những giấy phép mới, biến tướng mọc ra, quy định từ nghị định trở lên mới ban hành điều kiện kinh doanh đã được đưa ra.
Phong trào thực thi rầm rộ nhất vào năm 2003 khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết định bãi bỏ 84 giấy phép con. Trong đó, có những giấy phép liên quan tới vận tải hành khách, vận tải hàng hoá bằng ôtô... tác động tới mức hôm trước lên sở giao thông vận tải đầy người xếp hàng thì sau quyết định này, cả sở giao thông vận tải trở nên hoang vắng.
Vì vậy, thời kỳ này, dịch vụ vận tải thậm chí còn hơn bây giờ. Những doanh nghiệp như Phương Trang, Hoàng Long... đã mở mang và phát triển. Đáng tiếc, đến giờ, tất cả những giấy phép đó gần như phục hồi hết!
Những bộ luật liên quan đến doanh nghiệp được ban hành sau này đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 vẫn tiếp nối tư tưởng của bộ luật trước. Tuy nhiên, ở "phiên bản" Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 có thêm danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, theo luật này, chỉ có luật hay nghị định của Chính phủ mới có quyền quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, các quy định trước đây tại các thông tư, quyết định sẽ không còn hiệu lực. Tuy nhiên, trong số các quy định này có những điều kiện vẫn cần thiết cho cuộc sống, do đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép thời gian một năm để chuyển đổi (từ 1/7/2015 – 1/7/2016) những quy định cần thiết lên cấp nghị định, bãi bỏ những quy định không cần thiết.
Dù được kéo dài, nhưng phải đến giờ chót, trước khi thời điểm này có hiệu lực, các bộ mới "rầm rầm" ra mấy chục nghị định nên cơ quan thẩm định không có thời gian để kiểm soát. Hơn nữa, không có cơ quan độc lập nên các bộ tự thẩm định với nhau. Vì thế, nghị định qua hết mà không có vướng mắc gì.
Nghị quyết 19 ra đời ở thời điểm này không đem lại cải thiện như mong đợi. CIEM lúc đó đã tập hợp tất cả các điều kiện kinh doanh được quy định ở tất cả các nghị định. Theo đó, có khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh được ban hành, trong đó có rất nhiều quy định không rõ ràng, không minh bạch, không hợp lý và đầy rẫy rủi ro... Do đó, CIEM đã kiến nghị bãi bỏ 3.000 điều kiện kinh doanh.
Lúc đó, tại một cuộc họp chuyên đề về môi trường kinh doanh, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi nêu lên vấn đề và được Thủ tướng chấp nhận; sau đó được đưa vào nghị quyết chuyên đề về việc bãi bỏ 1/2 điều kiện kinh doanh bất hợp lý.
Hơn một năm dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các bộ báo cáo đã đạt thành tích, cắt bỏ, đơn giản hoá 1/2 điều kiện kinh doanh. Nhưng ý nghĩa thực chất là tạo tự chủ, an toàn kinh doanh, giảm chi phí, giảm rủi ro cho doanh nghiệp của các điều kiện kinh doanh cắt bỏ chỉ là khoảng 1/2 con số được báo cáo.
So với đợt bãi bỏ giấy phép con khi thực thi Luật Doanh nghiệp 1999, doanh nghiệp cảm nhận tác động của đợt cắt bỏ lần này ít hơn. Lý do là bởi đa phần các điều kiện kinh doanh chỉ được đơn giản hoá thay vì cắt bỏ hoàn toàn. Hơn nữa, nhiều quy định thực chất chỉ viết gọn lại nên không thực sự tạo được sự khác biệt giữa "ngày và đêm" như thời kỳ Luật Doanh nghiệp 1999.
Khả năng những nghị định mới, luật mới được ban hành nhằm phục hồi những điều kiện kinh doanh bị cắt bỏ vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Câu hỏi này tiếp tục được nêu lên, cũng giống như ở thời kỳ trước.
Sự lo lắng có cơ sở bởi nguy cơ phục hồi là rất lớn vì cơ quan nhà nước không thay đổi phương thức quản lý. Họ có thói quen sử dụng công cụ quản lý, thích quản lý và có xu hướng quản lý. Nguy cơ của những điều kiện kinh doanh được đơn giản hoá trên giấy tờ nhưng được triển khai trên thực tế là rất lớn.
Trong quá trình tập hợp, có những điều kiện nào được CIEM ghi nhận là công cụ quản lý hơn là tạo tiền đề cho doanh nghiệp, cho thị trường, thưa ông?
Có rất nhiều điều kiện kinh doanh tồn tại dai dẳng, không hiệu lực ở các bộ ngành và đáng chú ý gần đây nhất là trong ngành giao thông. Người ta dùng điều kiện kinh doanh như là những tiêu chuẩn an toàn nhưng trên thực tế, mục tiêu quản lý không như đề ra. Bến dù, xe cóc... thể hiện sự yếu kém của quản lý và bất cập của chính sách chứ không phải là do doanh nghiệp.
Tư tưởng lấy quản lý để phục vụ người tiêu dùng sẽ bào mòn ý tưởng kinh doanh phục vụ tốt nhất. Tại sao người dân đón xe ở bến cóc? Vì ở đó thuận lợi hơn vào bến xe. Tại sao không để doanh nghiệp đón khách tận nhà? Đây chính là dịch vụ phục vụ người tiêu dùng, hơn nữa cũng sẽ giúp bến xe giảm tải.
Tương tự, ngành tài chính cũng có những quy định kiểu ấy. Chẳng hạn một doanh nghiệp muốn thực hiện IPO thì phải đạt điều kiện 2 năm có lãi mới được huy động vốn. Một doanh nghiệp đang thua lỗ nhưng doanh nghiệp quyết định cơ cấu lại với việc phát triển ý tưởng kinh doanh mới, tốt hơn, khả thi hơn thì phải để thị trường, nhà đầu tư phán xét hơn là quy định kiểu như vậy. Nó sẽ chặn đi cơ hội phục hồi của những doanh nghiệp khó khăn, thua lỗ. Ở đây, vấn đề của Nhà nước là đảm bảo thông tin cung cấp ra thị trường là thông tin thật còn vấn đề tiếp nhận thông tin là của nhà đầu tư. 30 năm rồi nhưng chúng ta vẫn còn kiểu tư duy bao cấp!
Vậy theo ông, tư duy quản lý nhà nước sau 30 năm cải cách cần phải theo hướng nào?
Không phải ưu đãi, bao cấp hay bảo hộ mà là "cởi trói", trao quyền cho người dân tự nó sẽ phát huy được tác dụng trong huy động nguồn lực, sáng kiến, trí tuệ để phát triển. Điều quan trọng là tin tưởng người dân, tin tưởng doanh nghiệp và tạo ra thể chế để họ tự do lựa chọn, sáng tạo và đảm bảo cho những sáng tạo đó được hiện thực hoá. Vai trò của quản lý nhà nước, cách thức quản lý nhà nước phải được xem xét lại. Nhà nước nên bớt chức năng, nhiệm vụ. Đừng nghĩ thay, làm thay cho người dân và doanh nghiệp.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo