Xuất khẩu dệt may cán đích 39 tỷ USD bất chấp dịch COVID-19
“Không có gói hỗ trợ đặc biệt thì kinh tế Việt Nam sẽ lỡ nhịp, tụt hậu” / Thiệt hại kinh tế do COVID-19 trong 2 năm lên tới trên 500 nghìn tỷ đồng
Thông tin trước Hội nghị tổng kết năm 2021 của ngành dệt may tại cuộc họp báo ngày 7/12, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch thường trực, Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn tuy nhiên kết quả sản xuất kinh doanh toàn ngành vẫn khá khả quan.
Mục tiêu tham vọng xuất khẩu 43,5 tỷ USD năm 2022
Theo đó, từ cuối năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 39 tỷ USD. Bước sang năm 2021 với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, theo kế hoạch ban đầu của ngành đưa ra mục tiêu xuất khẩu cả năm cao nhất đạt từ 38 – 38,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam dự kiến sẽ đạt 39 tỷ USD, bằng với mục tiêu kế hoạch đặt ra từ cuối năm 2020 và cao hơn so với kịch bản tăng trưởng cao nhất trong năm 2021.
“Từ ngày 1/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang “Thích ứngantoàn,linh hoạt và kiểm soáthiệu quảdịch bệnh”. Đây là một động lực rất lớn để từ thời điểm đó đến nay, ngành dệt may Việt Nam đã có những khởi sắc đáng kể, đặc biệt nhất là trong Quý IV năm nay để VITAScó thể lạc quan cho rằng, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 có thể đạt kim ngạch 39 tỷ USD”, ông Cẩm cho biết.
Trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến khá phức tạp trên thế giới cũng như ở Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực, Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Hiệp hội dự báo tình hình sản xuất kinh doanh trong năm 2022 sẽ vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trên nền tảng khả quan của năm 2021, sang năm 2022, ngành dệt may sẽ xây dựng 3 kịch bản phát triển. Trong đó, kịch bản thứ nhất là nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát cơ bản ngay từ đầu năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu khá tham vọng, hướng đến 42,5 - 43,5 tỷ USD trong năm 2022.
Ở kịch bản trung bình, nếu tình hình dịch bệnh có thể kiểm soát về cơ bản vào giữa năm 2022, ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt khoảng 40 – 41 tỷ USD. “Trong tình hình xấu hơn với kịch bản thứ 3, khi biến chủng Omicron đang bùng phát tại nhiều nước trên thế giới và khả năng kiểm soát dịch bệnh có thể kéo dài đến cuối năm 2022, với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn có thể đạt mức xuất khẩu từ 38 – 39 tỷ USD”, ông Cẩm nêu rõ.
Để giúp các doanh nghiệp (DN) ngành Dệt May hoạt động một cách ổn định và có điều kiện phục hồi sau dịch và phát triển một cách bền vững, ông Cẩm cho biết, ngành dệt may xác định tiếp tục kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động, coi việc chống dịch là công việc quan trọng nhất.
“Việc chống dịch thành công là sự đảm bảo quan trọng cho việc hồi phục và phát triển kinh tế nói chung và của ngành dệt may nói riêng. Để làm được điều này, Nhà nước phải tìm mọi cách để tiêm vaccine nhiều hơn, nhanh hơn và có thể phải tính đến phương án tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người lao động. Có như vậy, Việt Nam mới có thể giao lưu với thế giới cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu dệt may cùng các hoạt động sản xuất kinh doanh khác phát triển tốt hơn trong điều kiện bình thường mới”, ông Cẩm chỉ rõ.
Doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ, địa phương chung tay
Cũng theo phân tích của Phó Chủ tịch thường trực, Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các DN qua năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt được mức không đến nỗi bi quan, tuy nhiên nguồn lực của rất nhiều DN đến nay cũng đã cạn kiệt, cho nên rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nâng mức hỗ trợ cho DN thông qua các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai chính sách này để giúp DN có điều kiện phục hồi và phát triển trong tình hình mới.
Đặc biệt đối với ngành dệt may, ông Cẩm cho rằng vấn đề quan trọng là làm sao để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính vì thế ngành đã và đang tìm mọi cách để có thể là liên hệ, thu hút khách hàng đến với DN cũng như chia sẻ lợi ích, đồng hành mỗi khi DN gặp khó khăn. “Sự gắn bó giữa khách hàng với DN là một trong những điều kiện sống còn. Nếu như khách hàng chuyển sang thị trường khác, khi DN thu hút khách hàng quay trở lại sẽ tốn kém rất nhiều chi phí không chỉ của DN mà cho cả phía khách hàng”, ông Cẩm nói.
Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, điều rất cần nữa đối với các DN đó là các địa phương cần cùng chung tay, phối hợp với DN trong hoàn cảnh sống chung với dịch, mỗi khi có ca F0, F1 trong DN, rất cần có sự chung tay của địa phương để tháo gỡ, nếu không DN sẽ rất lúng túng, bởi DN chỉ lo sản xuất mà không có chuyên môn về y tế.
Tại họp báo, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng thông tin về Hội nghị tổng kết năm 2021 được tổ chức ngày 17/12/2021 dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của hiệp hội trong năm 2021, chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà DN hội viên và hiệp hội cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.
Trong khuôn khổ hội nghị tổng kết cũng sẽ diễn ra Hội thảo xoay quanh tác động của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4 đến DN và người lao động ngành Dệt May; biến đổi khí hậu trong ngành thời trang; thương mại bền vững; chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm; thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch COVID-19…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi