Xuất khẩu gạo có thể vượt qua Thái Lan?
Vải thiều xuất khẩu qua địa bàn Lào Cai có thể vượt 30 nghìn tấn / Xuất khẩu hạt điều khó khăn vì thị trường lớn giảm mua
Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến ở nhiều nước nhưng ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, mặt hàng gạo là lương thực thiết yếu nên dịch bệnh đi chăng nữa thì thế giới vẫn rất cần. Hiện nay, doanh nghiệp (DN) này đang đẩy mạnh xuất khẩu (XK) sang Úc, Đức, Pháp...
Nắm nhiều lợi thế
Việc Hiệp định EVFTA vừa có hiệu lực, ông Bình phấn khởi cho biết, gạo Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh XK sang thị trường này. Hiện xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU đang bị áp thuế rất cao, tới 45%. Thậm chí, một số nước trong khối EU áp mức thuế nhập khẩu với gạo Việt Nam lên tới 100% hoặc cao hơn.
Trong khi đó, gạo Campuchia được miễn thuế nhập khẩu vào EU nên gạo Việt không có cửa cạnh tranh. Do đó, ông Bình kỳ vọng việc EVFTA có hiệu lực sẽ giúp gạo Việt có thêm lợi thế cạnh tranh với gạo Campuchia và các nước khác.
Theo Bộ Công Thương, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp ta có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Đây là lợi thế mà các DN cần phải nắm bắt.
Mới đây, báo cáo tình hình hoạt động thương mại 5 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương cho biết:XK gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 tăng mạnh 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng 4/2020, đồng thời tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019, đạt 750 nghìn tấn, trị giá 395 triệu USD.
Đáng chú ý, giá XK gạo của Việt Nam trong tháng 5/2020 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua với giá bình quân đạt 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4/2020 và tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, giá XK gạo của nước ta đã tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, đạt bình quân 485 USD/tấn.
"Với mức giá cạnh tranh và XK đang tăng mạnh trở lại sau khi gỡ bỏ hạn ngạch, Việt Nam có cơ hội lớn để vượt qua Thái Lan về XK gạo toàn cầu ngay trong năm nay", Bộ Công Thương nhận định.
Theo Bộ Thương mại Thái Lan, xuất khẩu gạo của nước này trong 4 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,11 triệu tấn, trị giá 43,046 triệu baht (1,387 tỷ USD), giảm mạnh 32,1% về lượng và 15,7% về trị giá so với mức 3,11 triệu tấn trị giá 51,07 triệu baht (1,62 triệu USD) của cùng kỳ năm 2019.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 493,8 triệu tấn, giảm khoảng 0,5% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 dự kiến đạt 490,2 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019.
Quyết định vào cuộc chạy đua nước rút
XK gạo của Việt Nam đang nắm nhiều lợi thế, song các chuyên gia cho rằng gạo Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ nếu muốn nắm ngôi "quán quân" XK của thế giới. Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo, thận trọng cho rằng, khả năng Việt Nam có thể vượt Thái Lan về XK gạo trong năm 2020 rất khó xảy ra.
"Nguyên nhân là Việt Nam chỉ có từ 6,7-7 triệu tấn gạo để XK, trong khi đó, ở Thái Lan tồn kho rất lớn. Hằng năm, XK hơn 7,5 triệu tấn nên khả năng xả hàng vào cuối năm rất lớn", ông Bích cho biết.
Gs. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, nhận định để vượt qua Thái Lan trên bản đồ thế giới sẽ không hề dễ dàng.Trung bình mỗi năm, Thái Lan xuất khoảng 10 triệu tấn, năm nay mất mùa có thể giảm xuống 7-8 triệu tấn. Ngay cả khi Thái Lan mất mùa, sản lượng gạo cũng hơn chúng ta. Mỗi năm, Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu khoảng 6,5 triệu tấn vì sản lượng sản xuất không cho phép.
Chưa kể so sánh tương quan giữa ngành lúa gạo Việt Nam và Thái Lan, ông Xuân cho rằng Thái Lan đang có nhiều khách hàng hơn Việt Nam. Hơn 40 năm qua, XK gạo của Việt Nam vẫn chưa thể tìm được nhiều khách hàng kỳ cựu như Thái Lan.
Đồng thời, hệ thống sản xuất lúa gạo của Thái Lan rất bài bản, chẳng hạn như nhiều doanh nghiệp XK gạo chỉ XK một loại gạo Hom Mali. Trong khi ở Việt Nam, nông dân vẫn mạnh ai nấy trồng (không cẩn thận lại trồng phải giống giả), thương lái đi gom lại rồi bán cho doanh nghiệp; doanh nghiệp mua 2 -3 thứ gạo, sau đó trộn lại đem đi XK. Điều này sẽ "giết chết" thương hiệu gạo Việt Nam.
Cùng với đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cũng chỉ ra, gạo Việt Nam sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan để giành đơn hàng XK vào Philippines - khách hàng lớn nhất của chúng ta.
Hiện, Philippines đang tìm nguồn nhập khẩu thêm 300.000 tấn gạo để tăng cường kho dự trữ Chính phủ nhằm đối phó với đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho mùa có nguồn cung thấp điểm hàng năm vào quý III. Các nhà XK gạo của Thái Lan kỳ vọng khách hàng Philippines sẽ quan tâm tới gạo Thái Lan khi giá giảm.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý đến sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà XK gạo Thái Lan nhằm đạt được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu gạo Philippines.
Đặc biệt, với thị trường EU, cơ hội rất lớn nhưng tiêu chuẩn chất lượng gạo rất quan trọng. Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm sẽ rất khó nhập vào thị trường này được.
Vì vậy, các DN đề nghị: Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ giúp cho doanh nghiệp, người nông dân vấn đề canh tác, các tiêu chuẩn chất lượng hạt gạo để đáp ứng yêu cầu từ phía EU.
Theo Gs. Võ Tòng Xuân, gạo Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường thì phải thay đổi cách sản xuất. Nông dân phải liên kết với nhau trong một HTX. HTX liên kết với DN, DN cũng phải xông xáo chào hàng ra thị trường, cho người tiêu dùng thế giới thấy gạo Việt Nam ngon không thua gạo Thái.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đứng trước cơ hội giành ngôi vị đứng đầu thế giới (Ảnh: TL)