Xuất khẩu giày dép tăng trưởng khả quan
Xuất khẩu gạo vẫn giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm / Lào Cai: Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Ngành da giày kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch XK 22 tỷ USD trong năm 2019(Ảnh minh họa)
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, sau khi giảm mạnh 51,7% trong tháng 2 với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 854 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày dép đã tăng mạnh trở lại trong tháng 3 với 1,35 tỷ USD, tăng 53,4% so với tháng trước. Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu giày dép tiếp tục tăng với 1,46 tỷ USD, tăng 15,7% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu giày dép tăng 20,2% so với tháng trước, đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 5 tháng lên 7,1 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Số liệu thống kê trong các tháng đầu năm cũng cho thấy, hầu hết các thị trường xuất khẩu giày dép của Việt Nam đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm trước trong đó, xuất khẩu tăng trưởng mạnh ở các thị trường như: Indonesia tăng 73,7%, Nga tăng 68,5%, Ba Lan tăng 71,5%, Ukraine tăng 55,4%... Những thị trường hàng đầu về tiêu thụ giày dép của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản cũng vẫn duy trì được mức tăng trưởng khả quan. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm tăng 13,5%, EU tăng trên 10,1%, Trung Quốc tăng 23,2%, Nhật Bản tăng 11,6%, so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Hiệp hội da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), ngành da giày Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống. Đơn cử, tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ. Trong đó, CPTPP mang lại cho ngành da giày cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada.
Thông tin từ Bộ Công Thương cũng khẳng định, ngành da giày đã tận dụng khá tốt được lợi thế từ CPTPP, đặc biệt tại thị trường Canada thể hiện qua sự gia tăng các C/O ưu đãi đăng ký tại thị trường này ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực. Các chuyên gia cho rằng, các thị trường mới trong khối CPTPP không chỉ giúp ngành da giày tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao hơn. Ở thị trường châu Âu, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đang duy trì ổn định và nếu Hiệp định thương mại Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) kỳ vọng được thông qua vào năm nay sẽ là động lực thúc đẩy mức tăng trưởng của toàn ngành lên trên 15% so với năm 2018.
Cùng với các tác động tích cực từ các thị trường nhập khẩu, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng cho rằng, ngành da giày Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển nhờ sự cạnh tranh về chi phí lao động. Hiện lương lao động tại Việt Nam vẫn ở mức thấp. Dự tính với mức lương lao động sẽ tăng khoảng 5% trong năm nay thì mức lương lao động nước ta vẫn cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực. Đây cũng là là một trong những động lực tạo ra sức hút về đơn hàng cho ngành da giày trong thời gian qua.
Trên thực tế, theo ghi nhận của các chuyên gia đã có sự chuyển dịch đơn hàng gia công giày dép từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế về nhân công cũng như đón đầu các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do từ vài năm trước đây. Trong đó đi đầu là các thương hiệu lớn như Nike, Adidas. Với các tín hiệu tích cực từ các thị trường, đơn hàng, đại diện Lefaso cho rằng, ngành da giày có thể tự tin sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu từ 21,5 đến 22 tỷ USD trong năm 2019.
End of content
Không có tin nào tiếp theo