Thị trường

Xuất khẩu rau quả thu về 3,8 tỷ USD, dự báo sẽ cán mốc vào cuối năm

DNVN - 7 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã thu về 3,8 tỷ USD. Dự báo tới cuối năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tăng trưởng đột biến, có thể lập kỷ lục từ trước tới nay - cán mốc trên 7 tỷ USD.

Xuất khẩu rau quả có thể thu về 0,6 - 0,8 tỷ USD 2 tháng cuối năm / Nửa tháng đầu năm, kim ngạch rau quả ước đạt gần nửa tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả của nước ta thu về 3,8 tỷ USD, tăng mạnh 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 2,16 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 65% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng này của nước ta.

Đáng chú ý, Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của rau quả Việt xuất khẩu. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, trong top 10 thị trường chủ lực, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, chỉ đứng sau Thái Lan.

Vừa mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) báo thêm tin vui khi quả bưởi Việt Nam chính thức được phép nhập khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Cụ thể, ngày 30/7, sau 3 tháng lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan, Cục Kiểm dịch Động thực vật Hàn Quốc (APQA) đã chính thức công bố trên website của APQA quy định nhập khẩu đối với quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hàn Quốc.

Chất lượng rau quả là điểm mấu chốt để duy trì tăng trưởng, mở rộng thị trường.

Trước những cơ hội từ thị trường rau quả xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng. Đây là điểm mấu chốt để duy trì tăng trưởng, mở rộng thị trường.

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 7 - 7,5 tỷ USD, kỳ vọng này được đánh giá sẽ cán đích. Tuy nhiên, về cả trước mắt và lâu dài, các địa phương có nhóm rau quả chủ lực xuất khẩu cần quy hoạch và duy trì vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu từ gieo trồng đến sơ chế, chế biến.

Trong đó, tập trung liên kết phát triển các chuỗi sản xuất. Bởi, chỉ khi nguồn cung ổn định, chất lượng bảo đảm thì bài toán xuất khẩu, thị trường mới được bảo đảm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu đối với ngành hàng rau quả. Bộ cũng sẽ phối hợp Bộ Công Thương và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật quy định, tiêu chuẩn mới từ phía thị trường nhập khẩu.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm