Xuất khẩu rau quả với nhiều gam màu sáng
Việt Nam nhập siêu 1 tỷ USD trong tháng 5 / Xuất khẩu thuỷ sản tiếp đà tăng
Xuất khẩu rau quả vượt mốc 2,5 tỷ USD
Không ngoài dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, khi vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Rất nhiều kì vọng và dự đoán về khả năng xuất khẩu rau quả còn phá vỡ con số kỷ lục mà ngành hàng này từng đạt được trong năm 2023.
Mặc dù chỉ bước vào đầu tháng 6 nhưng Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho cả năm nay. Theo doanh nghiệp, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng rau quả ở nhiều nước đang tăng mạnh.
Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang cho biết: "Dự kiến cả năm chúng tôi đạt được tổng kim ngạch xuất khẩu là 45 tỷ USD. Hiện công ty đã ký được toàn bộ đơn hàng năm 2024. Thị trường lớn của chúng tôi vẫn là Mỹ và châu Âu".
"Chúng tôi vừa tiếp đối tác từ Newzealand ký hợp đồng mua ớt, xoài, khổ qua,… chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị nguồn hàng để giao cho khách", ông Bùi Phú Kiệt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho hay.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, khi vượt mốc 2,5 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay. Ảnh minh họa.
Xuất khẩu rau quả nước ta mang về hơn 2,5 tỷ USD, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được mức tăng trưởng đó là nhờ ngành làm tốt khâu xúc tiến thương mại. Nhà vườn và doanh nghiệp tăng cường liên kết đảm bảo nguồn nguyên liệu dồi dào, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin: "Chúng tôi khẩn trương rà soát nhu cầu của các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp sẽ kết nối với vùng sản xuất đảm bảo yêu cầu của thị trường nhằm nâng cao sản lượng và giá trị xuất khẩu rau quả".
Tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino đã và đang làm sụt giảm nguồn cung rau quả toàn cầu. Với những quốc gia ít ảnh hưởng như Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là một trong những gam màu sáng để ngành hàng tỷ đô này tiếp tục tăng trưởng mạnh vào hai quý cuối năm.
Chế biến sâu tăng giá trị rau quả xuất khẩu
Trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều mặt hàng giảm mạnh, ngành rau quả trong 5 tháng qua, đã tăng khoảng 26% so với cùng kỳ. Ngoài những tín hiệu lạc từ thị trường, để có được mức tăng trưởng cao như vậy là nhờ các nhà máy rau quả mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, việc chuyển từ xuất khẩu hàng thô sang các sản phẩm chế biến sâu đã phát huy hiệu quả.
Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho biết, mỗi ngày nhà máy này thu mua từ 30 - 40 tấn xoài nguyên liệu. Nhờ đầu tư hệ thống cấp đông, tăng cường chế biến, đa dạng sản phẩm, nên đơn vị luôn ký được các đơn hàng xuất khẩu đi châu Âu và châu Á.
"Chế biến sâu là mình tạo những sản phẩm đi đến các thị trường xa, rộng rãi, lưu trữ được. Thành ra sản lượng sẽ được nhiều", ông Trịnh Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản Phúc Tiến cho hay.
Nhờ đầu tư chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, đặc biệt chinh phục được các thị trường khó tính nên nhiều sản phẩm rau quả tại đây có giá bán cao gấp 3 - 4 lần so với sản phẩm thông thường. Quan trọng đây là hướng đi bền vững cho ngành hàng tỷ đô này.
Chế biến sâu giúp tăng giá trị rau quả xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Bền vững là vì chế biến sâu sẽ giúp các nhà máy có thể chủ động nguồn hàng nhờ bảo quản lâu hơn. Từ đó, xóa dần áp lực bán nhanh và phải phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nó còn tiêu thụ hiệu quả nguyên liệu cho bà con nhà vườn khi vào mùa thu hoạch.
Ông Bùi Anh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang cho biết: "Chế biến sâu giúp bà con giải quyết được sản lượng lớn tại thời điểm mùa vụ. Nếu như trong trường hợp chúng ta tiêu thụ tươi, có thể sẽ không tiêu thụ hết, dễ xảy ra tình trạng bị mất giá".
"Vừa qua, chúng tôi đã có hai lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sắp tới đây, tiếp tục sẽ mở rộng hơn nữa và mời gọi các doanh nghiệp để tham gia việc kết nối, liên kết sản xuất, trong đó quan tâm hơn nhiều vấn đề chế biến sâu", ông Trần Thanh Hiệp - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin.
Mỗi năm, sản lượng rau quả Việt Nam đạt khoảng 31 triệu tấn, thế nhưng tỷ lệ chế biến sâu chưa tới 20%. Qua đó cho thấy, dư địa để phát triển lĩnh vực này còn khá lớn. Nếu làm tốt hơn nữa khâu chế biến sẽ giúp ngành rau quả nước ta sớm vượt mốc 5,6 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu.
Tăng cường đầu tư vào chế biến sâu
Theo Hiệp Hội Rau quả Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 150 cơ sở, doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế 1 triệu tấn nguyên liệu 1 năm, tuy nhiên con số này mới chỉ chiếm hơn 10% trong số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hàng năm. Hiện ngành rau quả rất cần sự quan tâm, đầu tư mạnh hơn nữa nhất là nguồn vốn để tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm và cạnh tranh xuất khẩu bền vững.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chánh Thu bày tỏ: "Mong muốn Chính phủ xem xét hỗ trợ nhiều hơn nữa vấn đề vốn cho các nhà máy rau quả dạng tiên phong bao tiêu nông sản cho bà con và chuyển đổi sang chế biến sâu để có nhiều đơn vị tham gia".
Ông Nguyễn Sĩ Lâm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết: "Chế biến sâu là yếu tố sống còn của ngành nông sản. Riêng An Giang sẽ rà soát các chương trình tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp làm sao chuyển đổi công nghệ, nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm cạnh tranh trên thị trường".
End of content
Không có tin nào tiếp theo